BIỂN ĐÔNG

Huy và Nam là hai anh em chú bác ruột quê ở tỉnh Quảng Nam, sinh cùng giờ, cùng ngày, cùng tháng, cùng năm. Chỉ khác nhau là Huy sinh vào cúi giờ sửu còn Nam thì sinh vào đầu giờ sửu. Điều khác nhau thứ hai là Huy có một tuổi thơ tràn đầy hạnh phúc vì cha mẹ Huy giàu và biết lo lắng cho con cái. Nhà Nam nghèo và mẹ chết sau khi sinh Nam, nên tuổi thơ của Nam gặp nhiều khó khăn và cực khổ.

Gia đình Huy ở trong một căn nhà gạch sát bờ sông, cách xa xóm làng chung quanh, còn gia đình Nam thì ở trên một chiếc ghe đậu gần đấy, vì thế họ chơi thân với nhau. Họ lấy làm lạ là “cái ấy” của Huy lúc thì dữ tợn ngỏng lên lúc thì hiền lành xệp xuống, trong khi “cái ấy” của Nam khi nào cũng hiền lành nằm yên một chỗ. Với trí phán đoán ngây thơ của tuổi trẻ, họ cho rằng đó chính là sự khác biệt giữa hai người. Với thời gian họ quên đi mau chóng sự khác biệt ấy. Huy may mắn tốt nghiệp bác sĩ và được đổi về làm tại quân y viện Duy Tân Đà Nẳng. Nam ít may mắn hơn, vừa làm việc vừa tự học nên chỉ đậu được tú tài I. Tuy thế, Nam hiểu rõ được bổn phận của người trai trong cơn quốc biến nên hăng hái tình nguyện vào trường bộ binh Thủ Đức, đang mang lon trung úy, làm an ninh quân đội ở chi khu Hoà Vang, tỉnh Quảng Nam. Vì sống trong nghèo khổ và thấm nhuần đức tin Công giáo nên tâm hồn Nam rộng mở, cảm thông dễ dàng với hoàn cảnh khó khăn của dân chúng chung quanh. Họ vui mừng gặp lại nhau sau nhiều năm xa cách và nối kết lại tình bạn ngày xưa. Huy ngạc nhiên khi thấy Nam sống rất đơn sơ nhưng lại rộng tay giúp đỡ kẻ nghèo hèn. Huy bảo:

– Lương trung úy của chú chỉ đủ sống thôi, tại sao lại dễ dàng bố thí cho người nghèo như vậy?

Nam cười bảo:

– Mình có cơm ăn ngày hai bữa là đã quá sung sướng rồi, tại sao lại keo kiệt với sự khổ đau của đồng loại? Anh đừng lo, em sống rất thoải mái và hạnh phúc khi làm được những việc trên.

Thấy Nam có một người bạn gái rất xinh đẹp, có thể nói là một hoa khôi của Đà Nẳng lúc bấy giờ, thuộc loại mặt hồng, mày rậm, lưng ong, chân dài, đang làm y tá, Huy nhớ lại cái bất bình thường của Nam từ thuở nhỏ nên dò hỏi:

– Chú có một cô bạn gái rất xinh. Định bao giờ thì làm đám cưới?

Nghe Huy chạm đến cái yếu điểm của mình, Nam đành tâm sự:

– Đây là một điều em lo lắng nhất. Chuyện bọn mình khi nhỏ anh quên rồi sao? Sẵn dịp đây, anh tìm cách trị cho em khỏi được bệnh này thì mới mong nói đến chuyện hôn nhân. Hiện nay nàng chưa biết. Em cũng không có ý dấu nàng. Em định chạy chữa một thời gian. Nếu hết hi vọng thì mới cho nàng biết sự thật. Em đã đi nhiều bác sĩ. Họ cho uống và chích nhiều thuốc, nhưng không khỏi.

Sau khi nghe Nam trình bày tỉ mỉ căn bệnh và xem các toa do bác sĩ cấp, Huy lắc đầu bảo:

– Mấy ông bác sĩ đã gạt em rồi. Bệnh này không có thuốc chữa. Tại sao em bị liệt dương mà các bác sĩ không cho em miễn dịch vĩnh viễn?

Nam cười:

– Mấy ông bác sĩ đâu có khám gì. Họ cần một số người xung phong ra mặt trận để họ cho một số người khác hoản dịch kiếm tiền và an tâm ở hậu phương làm giàu. Em cứ tưởng tây y có thể chữa lành. Nếu anh biết là không chữa lành thì em tìm thầy đông y vậy.

Nghe Nam nói, Huy cười thầm vì biết rằng tây y không chữa được thì đông y cũng đành bó tay, nhưng làm thinh để cho Nam nuôi hy vọng mà sống.

Một hôm hai anh em chở nhau về thăm thành phố Hộian, giữa đường gặp mưa nên vào một quán nước bên đường tạm trú. Thấy ông chủ quán ho sù sụ, rét run, quấn mình trong mảnh chiếu tồi tàn, đưa cặp mắt thất thần nhìn khách, Nam động lòng trắc ẩn, năn nỉ Huy khám và cho ông ta một toa thuốc. Huy miễn cưởng nhận lời. Nam móc túi đưa ông ta ông một số tiền, bảo:

– Bác hãy nhận số tiền này mua thuốc chữa bệnh. Trời thì lạnh mà nhà thì trống thế này làm sao không bị cảm được?

Ông già cầm tiền, gượng cười, bảo:

– Cám ơn lòng tốt của cậu. Tôi sẽ gắng chữa lành bệnh và chờ ngày cậu ghé thăm.

Một tuần sau, Nam một mình đến thăm ông già vì Huy từ chối cùng đi. Đến quán cũ thì không thấy ông già đâu. Nam hỏi thì bà chủ quán mỉm cười bảo:

– Ông có phải là người tuần trước đã đưa tiền cho cha tôi chữa bệnh không? Ông hãy nhận lại, chúng tôi không cần tiền đâu. Hôm trước cha tôi muốn thử ông đó. Cha tôi đang khám bệnh trong nhà và chờ ông đến thăm. Tôi sẽ bảo cháu đưa ông vào.

Nam ngạc nhiên đến sửng sốt nhưng cũng vui mừng theo đứa nhỏ băng qua một cánh đồng lúa để vào thăm ông già vì chàng cũng háo hức biết được một sự thật kỳ thú. Ông già không để ý đến sự có mặt của chàng và tiếp tục khám bệnh. Nam hỏi nhỏ các bệnh nhân bênh cạnh thì biết ông già là một đông y sĩ tài ba đã chữa được nhiều bệnh nan y mà các bác sĩ đều bó tay, Nam vui mừng như bắt được vàng. Sau khi bệnh nhân về hết, ông già cười bảo:

– Cậu kiên nhẫn lắm, không phụ lòng trông đợi của tôi. Cậu biết tôi là thầy thuốc thì hãy nói rõ hết những khó khăn của cậu, tôi sẽ chữa cho.

Nam tròn xoe đôi mắt bảo:

– Sao thầy biết con bị bệnh? Làm sao tuần trước thầy biết con vào quán mà tìm cách thử con?

Ông thầy thân mật vổ vai chàng, bảo:

– Cuộc đời có nhiều cái bí ẩn kỳ lạ lắm. Từ từ rồi thầy sẽ truyền hết cho con.

Sau khi hỏi kỹ bệnh sử, ngày, giờ, tháng, năm sinh, tính tình, tình trạng gia đình, bạn bè, cuộc sống thường ngày và xem mạch cẩn thận, ông thầy bảo:

– Tiên thiên bất túc. Mẹ con đã bị bệnh lao ở thời kỳ cuối khi có mang con nên phế khí quá hư. Phế khí thuộc kim nên sinh thận thủy. Trong bào thai hai quả thận được thành hình sớm nhất nhưng không đủ thận khí tiên thiên do cha mẹ truyền cho nên mệnh môn hỏa trong thận suy yếu. Mệnh môn hỏa suy làm cho thận khí dương suy đưa đến liệt dương bẩm sinh. Thầy chỉ có thể dùng châm cứu để khơi thông những chỗ bế tắc trên kinh mạch, còn làm cho mệnh môn hỏa mạnh lên thì chính con phải lo liệu lấy.

Nam năn nỉ:

– Xin thầy chỉ cho, con sẽ cố gắng làm. Riêng con thì đâu biết phải làm thế nào cho mệnh môn hỏa mạnh lên.

Ông thầy cười bảo:

– Thấy con là một thanh niên có cái tâm tốt nên thầy giúp con. Con có biết là trên đảo Hoàng Sa đang có một bầy dê do bà Nhu đưa ra và giao cho các binh sĩ đóng trên đảo chăm sóc. Họ được quyền làm thịt mỗi tuần vài con để có đủ thịt tươi ăn trong những ngày không bắt được cá. Chỉ mới sáu năm mà từ hai con đực và mười con cái, nay bầy dê đã lên đến bốn trăm con, vì thế ngoài số bị làm thịt, cứ ba tháng thì trong đất liền đưa tàu ra chở số dê dư đem về bán. Thầy đã thử mua một con và thấy đó là một loài vật quí.

Ông thầy thôi nói để đo lường phản ứng của Nam. Thấy Nam vẫn yên lặng lắng nghe, ông ta nói tiếp:

– Hiện nay chính quyền đang cần một sĩ quan có tư cách chịu ra ở luôn ngoài đó một thời gian để quan sát và lập một kế hoạch phòng thủ chu đáo trên các đảo để chống lại sự xâm lăng của Trung cộng. Tổng thống Diệm hiểu rõ sự quan trọng của Hoàng Sa đối với tương lai tổ quốc nên rất quí những người chịu hy sinh cho đại cuộc. Con chỉ cần ngỏ ý xung phong là ông quận trưởng Hoà Vang bằng lòng ngay.

Mấy tuần nay, Nam cũng nghe về tin ấy, nhưng cho là không liên quan tớI mình, nay nghe ông thầy bảo thế nên thắc mắc:

– Việc đi Hoàng Sa đâu có liên quan gì đến việc chữa bệnh của con?

Ông thầy cắt nghĩa:

– Dê đực là một động vật thuần dương lại được nuôi trong một môi trường khí hậu khắt nghiệt nhưng không khí trong lành nên hấp thu được nhiều năng lượng tốt của thiên nhiên. Máu dê là một thần dược để chữa bệnh liệt dương. Vì máu thuộc âm và ở trong một cơ thể thuần dương như dê đực nên thích hợp làm cho mệnh môn hỏa mạnh vì mệnh môn hỏa là dương ở trong thận thủy âm. Đó là nguyên tắc dùng âm trong dương để chữa bệnh dương trong âm. Mỗi tuần con uống một lít máu dê đực thì trong một năm bệnh con được khỏi hẳn. Thêm vào đó con sinh vào đầu giờ sửu, lúc mà khí huyết trong người đang chảy mạnh trong gan và mật. Gan, mật lại thuộc mộc, thích hợp cho hướng đông, cần nước để tăng trưởng vì thế con đi về Biển Đông là hợp cách. Hiện nay con còn nhát gan lắm. Nếu con ở đảo một thời gian thì thủy của Biển Đông sẽ làm mạnh mộc khí của đởm và gan, con sẽ trở nên cam đảm khác thường. Gan mạnh cũng giúp điều trị bệnh liệt dương vì can khí điều khiển các gân cơ làm cho dương vật cương cứng. Điều này sẽ giúp cho tương lai con rất nhiều. Thầy thấy con có duyên với sự đau khổ của nhân dân nên muốn truyền cho con môn đông y và châm cứu. Thầy sẽ đưa cho con một số sách và chỉ cho con sơ qua. Con sẽ nghiền ngẫm và đọc kỹ lại trong suốt thời gian trên đảo và thực hành để chữa bệnh cho các binh sĩ dướI quyền. Những bận rộn ấy sẽ giúp cho con quên nỗi cô đơn. Một năm sau con về đây ba tháng để thầy khảo sát lại trình độ và chỉ cho những thiếu sót.

Nam không ngờ mình gặp may đến thế! Nếu chữa lành bệnh, học được một nghề mới thú vị giúp cho đồng bào và làm được nhiều việc cho quốc gia thì dẫu có phải xa gia đình, người yêu một thời gian, gặp khó khăn, gian khổ, buồn chán bao nhiêu chàng cũng vui lòng chấp nhận.

Từ đó hàng tuần, Nam ghé nhà thầy vừa chữa bệnh vừa học thêm đông y và tử vi mà không cho Huy biết. Thấy Nam thông minh và có khiếu về một nền triết học mà bề ngoài thì rất mơ hồ, nhưng khi thấu hiểu thì lại chính xác và hay ho, ông thầy vui lắm. Nam cũng thấy bệnh mình khỏi dần nên vui mừng không kém, chàng cố gắng làm vui lòng thầy đã bỏ công sức dạy mình. Chàng quyết tâm đi Hoàng Sa để vừa chữa bệnh, vừa phục vụ tổ quốc.

Khi Nam ngỏ ý với người yêu là mình sẽ xung phong ra trấn đóng ở đảo Hoàng Sa thì nàng ngạc nhiên và không bằng lòng. Nam thuyết phục:

– Làm trai ở đời là phải trả nợ cho quốc gia. Hiện nay miền Nam đang tự vệ chống lại sự xâm lăng của cộng sản miền Bắc lại phải đương đầu với bọn Trung cộng tham lam và hung bạo, chúng đã chiếm một phần quần đảo Hoàng Sa và tiếp tục muốn chiếm phần còn lại để mở rộng lãnh thổ, khai thác tài nguyên. Nếu anh cũng nhát gan như bao nhiêu người khác nhất là tầng lớp trí thức, tìm mọi cách để khỏi vào quân đội, thì miền Nam này làm sao tồn tại được? Em hãy hãnh diện là có người yêu bất chấp mọi gian nguy đang chờ đợi mà làm tròn bổn phận công dân của mình. Nếu em không đủ can đảm chia xẻ cuộc sống đầy gian nguy của anh thì chúng ta hãy chia tay. Anh sẽ đau khổ một thời gian dài nhưng không thẹn với lương tâm là không làm tròn bổn phận với tổ quốc. Anh hứa với em là sẽ ở Hoàng Sa trong khoảng hai hay ba năm rồi sẽ trở về đất liền và chúng ta sẽ làm đám cưới. Tình yêu được thử thách mới là tình yêu chân chính. Em không sợ anh thay lòng đổi dạ vì ngoài hải đảo không có đàn bà. Anh tin cậy hoàn toàn nơi em mặc dù biết là chung quanh em có bao nhiêu người săn đón vì em đẹp từ tinh thần cho đến thể xác. Mỗi năm, anh hứa sẽ về thăm em ba tháng như vậy em đã bằng lòng chưa?

Truớc lời khen, những luận cứ hữu lý của Nam và để chứng tỏ nàng cũng là một công dân yêu nước, nàng đành gật đầu chấp nhận.

Khi học tử vi, Nam thắc mắc:

– Người anh em chú bác với con mà thầy gặp dạo trước sinh cùng giờ, cùng ngày, cùng tháng, cùng năm với con nhưng chúng con lại có hai cuộc sống hoàn toàn khác. Thầy có thể giải thích cho con hiểu lý do không?

Ông thầy cười bảo:

– Huy sinh trên bờ, con sinh dưới nước nên tuy cùng giờ, ngày, tháng, năm nhưng số phận lại hoàn toàn nghịch nhau. Huy đã có một thời sung sướng, hanh thông, nhưng lại ích kỷ cho riêng mình, nên về già sẽ sống trong cực khổ, nghèo hèn. Con sống trong bần cùng thời niên thiếu, nhưng với cái tâm tốt, con đổi được số mạng và về già sẽ sống những ngày sung sướng triền miên. Con không học y khoa, nhưng sẽ hành nghề y khoa như vậy không phải là một nhiệm mầu của tọa hóa sao? Tử vi chỉ đúng cho những người sống theo bản năng và sinh trên đất liền. Với những người sinh dưới nước thì không áp dụng được. Thêm vào đó, những người có cái tâm tốt thì tự họ đã cải số trời rồi vì thế Nguyễn Du mới bảo: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Con học tử vi là để đoán cho những người sống theo bản năng và sinh trên đất liền. Nếu gặp những người sinh dưới nước hay có cái tâm tốt, con sẽ đoán sai ngay. Phần lớn các thầy tử vi đoán được số của người khác vì họ thuộc loại bình thường. Thật sự nếu chúng ta cố gắng làm sao cho cái tâm ngày càng trong sáng bằng cách làm nhiều việc thiện thì không cần phải xem tử vi nữa mà cuộc sống sẽ gặp được nhiều may mắn. Số phận mỗi người tùy thuộc vào cả tiên thiên lẫn hậu thiên. Tử vi chỉ khảo sát phần tiên thiên nên chỉ đúng một phần. Nếu biết kết hợp tiên thiên với hậu thiên, ta sẽ thấy ảnh hưởng rõ ràng của các sao trên cuộc sống qua từng giai đoạn thăng trầm. Những đường kinh mạch con đã học có tên như thái dương bàng quang, thiếu dương đởm, thái âm phế, thiếu âm tâm v.v…hàm chứa một triết lý cao siêu về tâm tính con người ảnh hưởng trên bệnh tật của họ, đó là phần hậu thiên can thiệp vào lá số mà đa số thầy tử vi không biết. Từ từ thầy sẽ dạy con khi biết tính tình một người thì hiểu rõ được bệnh họ mắc phải và cách trị liệu. Thiên hạ đang cãi nhau tùm lum về câu: “Nhân chi sơ tánh bổn thiện”. Người thì cho là hoàn toàn đúng, người thì cho hoàn toàn sai. Tại sao chúng ta không có cái nhìn trung dung? Nghĩa là câu trên đúng cho một số người mà sai cho một số người khác. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa tiên thiên và hậu thiên.

Nam thấy tâm trí mình bừng sáng khi được thầy dạy dỗ, từ đó chàng không thắc mắc về số phận của mình, nhưng luôn luôn tìm cách cho tâm mình ngày càng trong sáng.

Trước khi nhận nhiệm vụ mới, đại đội địa phương quân do Nam điều khiển được ông quận trưởng căn dặn:

– Quần đảo Hoàng Sa gồm nhiều đảo họp thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất là Nguyệt thềm vì từ trên cao nhìn xuống giống như mặt trăng lưỡi liềm, gồm có các đảo: Hoàng Sa, Hữu Nhật, Duy Mộng, Quang Ảnh, Quang Hòa, Bạch Qủi, Tri Tôn và các bãi đá ngầm. Hoàng Sa tuy nhỏ nhưng được chọn đóng quân vì từ đó có thể quan sát được tất cả các đảo khác. Nhóm thứ hai là An Vĩnh gồm các đảo: Phú Lâm, Cù Mộc, Linh Côn, Trung, Bắc, Nam, Tây và Hòn Đá. Trước thế chiến hai thì thực dân Pháp cho quân đóng trên hai đảo Hoàng Sa, Phú Lâm, và xây nhiều tiện nghi quân sự phòng thủ, cầu tàu, đài khí tượng. Họ dùng xuồng cao su và tàu lớn để kiểm soát tất cả các đảo khác còn lại. Sau thế chiến hai thì Đài Loan và Trung cộng lần lượt chiếm đảo Phú Lâm, xây thêm và củng cố những công sự phòng thủ khác. Pháp đã bị kẹt trong chiến tranh Việt Pháp nên không đủ sức chiếm lại. Chủ quyền của nước ta trên các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa đã được lịch sử ghi chép từ lâu. Hiện nay chúng ta cũng bị kẹt trong cuộc chiến Quốc*Cộng nên không đủ lực lượng để lấy lại các đảo đã bị Trung cộng chiếm đóng. Tổng Thống rất quan tâm đến sự quan trọng của quần đảo Hoàng Sa về quân sự vì ai có chủ quyền trên các đảo ấy sẽ kiểm soát được sự lưu thông trên Biển Đông mở cửa ra Thái BìnhDương. Thêm vào đó lại kiểm soát được một kho tài nguyên thiên nhiên phong phú trên biển như hải sản, trên đất như phân phốt-phát và dưới đất biết đâu chừng có dầu hỏa và khí đốt thì sao? Rất tiếc là dân Việt bị cuộc nội chiến tương tàn nên ngư dân không có những tàu tối tân đi đánh cá xa để khai thác nguồn tài nguyên vô tận này và làm giàu cho xứ sở. Nếu ngư dân Việt cũng có mặt thường xuyên chung quanh các đảo Hoàng Sa như Nhật, Tàu, Đại Hàn thì trách nhiệm các anh cũng nhẹ đi nhiều. Tiền nhân chúng ta cũng đã thấy được những sự quan trọng ấy nên đã cho hải quân kiểm soát và dựng bia chủ quyền trên các đảo từ lâu. Chúng ta rất xấu hổ là không đủ sức giữ được những gì cha ông đã truyền lại. Vì thế nhiệm vụ của các anh là đóng trên đảo Hoàng Sa và dùng thuyền cao su kiểm soát các đảo kế cận. Nếu có gì biến động thì báo cho chính quyền biết để kịp thời ngăn chặn. Bọn Trung cộng thấy chúng ta có mặt thường xuyên trên đảo thì không dám xâm lăng một cách trắng trợn đâu. Đây là một vùng có rất nhiều cá, nên những ghe đánh cá sẽ ghé đảo để đổi nước và đi lại cho khỏi bị tù túng khi ở trên tàu lâu ngày. Các anh cứ tự nhiên trao đổi với họ nhưng coi chừng những người có mưu đồ quan sát địa thế và tình hình phòng thủ của ta. Hiện nay trên các đảo có một tiểu đoàn thủy quân lục chiến đóng. Họ có đủ phương tiện nên kiểm soát hữu hiệu và Trung cộng chưa dám làm gì. Vì chiến trường trên đất liền bắt đầu sôi động khi Việt cộng bằng mọi giá muốn chiếm trọn miền Nam nên thủy quân lục chiến được gọi về và các anh mới được cử ra nhận nhiệm vụ trọng đại này. Tôi mong các anh vì tinh thần yêu nước và bất khuất của dân tộc mà cố gắng làm tròn nhiệm vụ đã được trao phó.

Nam vui mừng khi thấy thuộc hạ cũng hiểu rõ được nhiệm vụ quan trọng mà hăng hái ra đi.

Những ngày sống trên đảo đối với Nam thật bận rộn và thú vị. Buổi sáng chàng thức dậy với một tâm trạng sảng khoái là chính mình đã góp sức trong việc giữ vững bờ cõi. Chàng dẫn anh em vừa chạy vừa tập một vòng quanh đảo để giữ gìn thân xác cho được tráng kiện. Sau đó chàng đích thân đến bãi chăn dê để săn sóc sức khỏe cho chúng. Điều thú vị nhất là chàng thấy các anh chàng dê đực thay phiên nhau chắn ngang trước cửa các chuồng, cô nào muốn ra ngoài ăn cỏ thì phải nộp lệ phí. Mỗi anh có thể làm vài chục phát mà không thấy mệt mõi. Chàng hy vọng có ngày mình cũng khỏe mạnh như các anh chàng ấy để mất đi cái mặc cảm không phải là nam nhi của mình. Mà thực vậy, từ ngày uống được máu dê đực trên đảo chàng thấy thân thể mình thay đổi một cách lạ lùng. May mắn các binh sĩ dưới quyền không biết được tác dụng kỳ lạ của máu dê nên không dành với chàng. Họ chỉ biết thưởng thức thịt dê chứ không uống huyết sống như chàng. Có vài người bắt chước chàng thử, nhưng không chịu nổi mùi tanh hôi nên bỏ cuộc. Nếu họ biết được công dụng thần bí của máu dê sống thì chàng làm sao giải quyết được nhu cầu sinh lý mạnh mẽ của họ? Sau khi ăn sáng, chàng dùng ống dòm xem xét tình hình mọi nơi và dặn dò toán người được cắt cử dùng thuyền cao su đi kiểm soát các đảo lân cận. Rồi chàng đến công trường khai thác phân phốt phát trao đổi tin tức với người đại diện hảng. Chàng đến đài khí tượng nói chuyện với các chuyên viên trực để biết tin tức về thời tiết. Chàng trở về văn phòng vừa đọc sách vừa chữa bệnh cho binh sĩ. Chàng không ngờ châm cứu lại hay ho đến thế! Hầu như chàng chữa lành được hết những bệnh mà anh em thường mắc mà không cần đến bác sĩ. Buổi chiều, chàng cùng anh em tập dược quân sự, tu bổ các vị trí bố phòng và đánh bóng chuyền. Tối đến chàng viết các phúc trình cho quận trưởng trình bày những nhận xét của chàng về tài nguyên thiên nhiên, sinh hoạt của những tàu đánh cá ghé đảo, phương án triển khai để xây các công sự phòng thủ cho từng đảo. Chàng cũng luôn nhắc nhở binh sĩ về nhiệm vụ cao cả của họ trong việc bảo vệ bờ cõi chống lại sự xâm lăng của Trung cộng. Binh sĩ thấy chàng yêu thương và lo lắng cho họ hết lòng nên tinh thần lên cao. Những ngày giông bão thì nằm trong chăn ấm, nghe gió mưa kêu gào trong bầu trời đầy sương mù ảm đạm, thấy sóng đầu bạc dựng cao, đập lên các bờ đá san hô, tung bọt trắng xóa mà thấy xót thương quê hương thân yêu đang quằn quại trong cuộc nội chiến tương tàn dai dẳng và bằng lòng thấy mình dám từ bỏ cuộc sống an nhàn mà dấn thân vào nơi tử địa để bảo vệ bờ cõi của non sông gấm vóc. Tưởng tượng đến ngày gặp lại người yêu và kể cho nàng nghe những đóng góp quí báu của mình cho tổ quốc, Nam thấy một nguồn hạnh phúc dạt dào.

Những ngày nước thủy xuống thật thấp đến bờ mé sóng thì tha hồ bắt cá cạn. Anh em đã thức giấc từ bốn, năm giờ sáng. Ăn uống xong xuôi, mọi người đều mang giày nhà binh cho san hô không cắt chân, bọc tay bằng bít-tất nhà binh cho khỏi bị ngạnh cá đâm vào khi bắt chúng, lưng đeo giỏ, tay cầm nĩa có cán dài để đâm cá. Từng toán ba bốn người ùa ra mé sóng, dở các mảng san hô thì thấy cá đang nằm chờ bị bắt vì bị mắc cạn, không còn đường chạy thoát. Đủ mọi loại như cá cơm, thu, bạc má, trích, ngừ, chuồn, nục, sòng, thêm vào đó còn bắt được tôm càng to, mực, ốc to với vỏ có nhiều hình dáng và màu sắc đặc biệt mà ai cũng thích dùng để trưng bày trong phòng khách, bào ngư là một loại ốc mà vỏ có chín lổ, thịt rất ngon và có nhiều chất bổ dưỡng nên bán rất được giá, hải sâm là một loại đỉa biển được người Tàu quí chuộng. Anh em gọi nhau ơi ới, cười đùa vui vẻ khi bắt được một con cá to. Cả một hòn đảo ngủ yên từ nhiều ngày qua, nay đột nhiên sống dậy như trong một ngày hội. Đến chín giờ sáng thì nước bắt đầu lên lại và phải nhanh chân chạy về nhà, nếu không sẽ bị ngập đầu hoặc sụp xuống những hõm sâu mà không thấy để tránh. Đó là cái nguy hiểm nhất khi đi bắt cá cạn. Đêm về thì họp nhau lại để thưởng thức những món ăn vừa bắt khi sáng. Trong bảy ngày nước ròng sát, bốn ở đầu tháng và ba ở giữa tháng âm lịch thì anh em được ăn uống đầy đủ và sung sướng nhất nên họ vui vẻ ca hát luôn mồm. Những ngày khác trong tháng thì có một nhóm đánh cá chuyên nghiệp dùng xuồng cao su ra xa câu cá. Tuy không nhiều lắm nhưng cũng đủ cho anh em sống thoải mái thêm vào phần thịt dê định trước. Vì thế mọi người không cảm thấy bị bỏ rơi và cô đơn nên tinh thần vững chãi.

Đến mùa cá thì ghe thuyền mọi nơi đổ về chung quanh các đảo, đi lại tấp nập, đèn đuốc sáng choang. Nam xót xa thấy tài nguyên thiên nhiên của quốc gia bị người ngoài chiếm đoạt. Vì cộng sản gây trận nội chiến tương tàn mà đồng bào không có được những tàu thuyền tối tân cạnh tranh với người nước ngoài trong việc đánh cá. Nếu hải quân ta mạnh và dồn hết sức vào việc bảo vệ hải phận thì làm sao tàu đánh cá ngoại quốc có thể xâm phạm lãnh thổ của ta để khai thác tài nguyên. Đây là một tội rất nặng của tập đoàn lãnh đạo cộng sản miền Bắc chỉ vì kiêu ngạo, tham lam mà để cho nhân dân cùng khổ và ngoại bang được lợi mọi bề. Chàng đã đưa những nhận xét trên cho anh em binh sĩ học tập và khơi dậy lòng yêu nước đang tiềm ẩn trong mỗi người vì thế tinh thần anh em lên cao, hoàn thành mọi công tác mỹ mãn và quyết tâm bảo vệ các hải đảo. Do đó bọn Trung cộng không dám tiến hành mưu toan xâm lăng.

Các tháng 5, 6, 7, vào những đêm trăng sáng thì loài vít to như cái bàn, nặng nề, chậm chạp bò lên bãi để tìm chỗ đẻ trứng. Chỉ cần nương theo vết dấu chân là thấy chúng ngay, lật ngữa lên thì chúng không bò được, thế là cột dây vào kéo về nhà làm thịt. Thịt vít ăn như thịt bò. Trứng vít ăn như trứng gà chỉ có lòng trắng khi chín vẫn còn lầy nhầy.

Trong khi Nam vật lộn với những khó khăn chất ngất để giữ vững cõi bờ thì ở hậu phương Huy lại mưu đồ quyến rũ Mai, người yêu của Nam. Lúc đầu Huy thấy Mai buồn vì xa người yêu thì cũng muốn gần gũi để an ủi nàng. Nhưng càng thân mật, Huy càng bị thu hút vì sắc đẹp, sự duyên dáng nên thay lòng. Khi đã thấy Mai gần như bị khuất phục trước sự quyến rũ của mình, Huy dứt điểm bằng cách cho nàng biết Nam bị bệnh liệt dương. Mai không tin thì Huy đưa tất cả các đơn thuốc của Nam đã được các bác sĩ chứng nhận làm bằng. Mai bàng hoàng, sửng sốt. Tin cậy ở lương tâm thầy thuốc và biết đó là một bệnh nan y, Mai đâm ra trách Nam đã lừa dối mình và phản bội người yêu. Mai đã cho Huy cái quí nhất của người con gái. Họ đã ngang nhiên yêu nhau và tính chuyện trăm năm.

Nam sống trên đảo được chín tháng thì bệnh liệt dương hoàn toàn khỏi hẳn mà còn mạnh hơn người thường. Nhiều đêm chàng khổ sở khi thấy “cái ấy” của mình cứng đơ suốt đêm. Chàng rất khâm phục kiến thức uyên bác của thầy và quyết noi gương thầy đem tài trị bệnh giúp đời. Chàng xin về đất liền ba tháng và được chấp thuận. Nghe anh chị em cho biết Mai đã thay lòng, chàng không tin, nên gặp nàng để biết sự thật. Nàng khóc, trách:

– Anh đã lừa dối em. Anh đã bị bệnh nan y mà không cho em biết. Với bệnh này thì làm sao chúng ta lập gia đình được? Nếu không được anh Huy săn sóc, chiều chuộng và cho biết sự thật thì em chắc sẽ khổ nhiều khi bị anh lừa dối. Chúng ta có duyên mà không có phận. Mong anh thông cảm cho.

Nam thấy trời đất quay cuồng, trái tim tan vở, nhưng cho là lỗi tại mình nên bình tĩnh nói:

– Cám ơn em đã cho anh biết sự thật. Anh không cho em biết vì tin mình có thể chữa lành bệnh. Nếu một năm sau mà chữa không lành thì cho em biết cũng không muộn. Em đừng giận anh tội nghiêp. May mắn là nay anh đã tìm được thầy giỏi và khỏi bệnh hoàn toàn, nhưng rủi ro là anh đã trở về không đúng lúc. Nếu em vẫn còn yêu anh thì chúng ta có thể làm lại từ đầu. Anh thông cảm những đau khổ em phải đương đầu và cam đoan là sẽ đem đến cho em một cuộc sống hạnh phúc mà em hằng mong ước.

Mai bàng hoàng khi nghe Nam nói mà nàng không tin là sự thật. Không lẽ tây y ẹ đến thế sao? Nếu thực sự Nam đã lành bệnh thì nàng có lỗi nặng với chàng. Nàng không ngờ Nam lại độ lượng như thế! Nàng tìm kế hoản binh:

– Anh cho em một thời gian suy nghĩ. Hằng đêm, em cũng thường khóc thầm về mối tình đầu dang dở, nhưng em không có đường chọn lựa khác. Nếu bây giờ anh đã hết bệnh thì tình thế lại khác.

Nam vui mừng đề nghị:

– Em không tin thì cứ cho anh thử là biết ngay.

Mai đỏ bừng đôi má, tát yêu Nam và bảo:

– Anh cứ dỡn hoài. Cho em một thời gian đi, nếu anh thực sự hết bệnh thì anh sẽ được toại nguyện. Nếu anh không chữa lành bệnh thì em đành phải phụ anh. Mong anh thông cảm cho em.

Mai gặp Huy và kể lại hết mọi việc. Huy vui mừng là Nam đã thú nhận cái dỡ của mình và Huy đã không nói dối để gạt Mai. Huy biết chắc chắn Nam đã nói dối là đã chữa khỏi bệnh, nên hùng hổ khuyến khích Mai:

– Làm sao có chuyện vô lý đó. Không lẽ bao nhiêu năm ăn học của anh là đồ bỏ sao? Nó tìm đâu được thầy thuốc hay trên hoang đảo đó. Được! Anh chấp nhận cho em làm theo yêu cầu của Nam để chứng tỏ nó là một đứa nói dối và em khỏi ân hận về sau.

Dầu sao Huy cũng có mặc cảm đi cướp người yêu của bạn nên làm thế để lương tâm được bằng an, mặc dầu chàng cũng khó chịu khi phải để cho người yêu tự mình tìm ra sự thật. Thấy Huy quá tự tin ở kiến thức của mình, Mai vui mừng lắm. Nàng cũng háo hức muốn biết sự thật nhưng sợ làm mất lòng Huy. Nay chính chàng đã cho phép thì không thể trách nàng được gì. Mà nàng có bị thiệt thòi gì đâu? Nàng vẫn còn yêu Nam. Nếu Nam là một người đàn ông bình thường thì nàng có cơ hội chọn lựa. Nếu Nam bệnh hoạn thì chàng làm sao trách nàng được?

Nàng đã chủ động đưa Nam vào mê hồn trận của mình. Nam cũng khoái chí khi được cơ hội thi thố tài năng và chứng tỏ chàng không nói dối. Biết đâu chừng chàng chinh phục lại được tình yêu của nàng thì hạnh phúc biết bao nhiêu! Mai ngạc nhiên khi thấy Nam hơn hẳn Huy trên phương diện này. Chàng đã cho Mai hưởng trọn những cảm giác đê mê kỳ thú mà Huy không làm được. Khi nghe Mai kể lại đáng lẽ Huy phải xấu hổ vì cái học nông cạn của mình, chỉ biết một mà không biết hai, thì vì tự ái của một trí thức bị tổn thương chàng nổi quạu nói:

– Em còn yêu Nam thì trở lại với nó đi. Anh không cần những loại đàn bà không đoan chính như em.

Mai không ngờ Huy lật lọng đến thế! Nàng vui mừng, nhưng làm bộ giận run, ứa nước mắt bảo:

– Em vâng theo lời anh đã không được khen mà còn bị trách mắng. Anh đã nói vậy thì chúng ta coi như chia tay từ đây. Anh đi quyến rũ người yêu của bạn thì có phải là một người đàn ông đoan chính không? Anh chỉ biết trách người khác mà không biết trách mình!

Mai bỏ ra về và vui mừng như trút được gánh nặng ngàn cân. Nàng cũng lo sợ làm khổ Huy khi nói hết sự thật. Không ngờ Huy vì tự ái vặt mà xua đuổi nàng. Như vậy nàng có cớ xa Huy mà không ân hận.

Khi Mai đi rồi, Huy đâm ra hối hận. Chàng yêu Mai rất nhiều, nhưng khi tự ái bị tổn thương thì không còn sáng suốt để kềm chế. Chàng biết mình rất khổ khi xa Mai, nhưng mọi sự đã đi sang một ngã rẻ khác rồi mà không vản hồi lại được. Huy đâm ra hận Nam đã gây đau khổ cho mình và quyết tâm trả thù.

Nam và Mai đã nối lại mối duyên xưa mà không có một trục trặc nào vì Nam không dễ dàng để người ngoài lung lạc. Hai người đã dẫn nhau đến thăm ông thầy và được chỉ vẻ thêm nhưng điều thiếu sót. Mai đã vui vẻ tiễn đưa Nam ra đảo và hẹn chín tháng sau gặp lại. Nam vui mừng khi thấy cấp trên đã đọc kỹ lưỡng những phúc trình của mình, chấp thuận khởi công xây các công sự phòng thủ kiên cố trên các đảo, tăng cường quân số lên đến cấp tiểu đoàn, cung cấp thêm quân trang và quân cụ để có thể cầm cự với bọn xâm lăng cộng sản Trung quốc trong vòng vài ngày chờ viện binh, thăng cấp cho chàng lên đại úy vì những đóng góp tích cực trong năm qua.

Trong chín tháng thứ hai trên đảo, Nam có phương tiện đi quan sát kỹ càng các nơi trong quần đảo Nguyệt Thiềm. Chia quân đóng trên các đảo. Theo dõi công binh xây dựng các công sự phòng thủ. Huấn luyện thuần thục các binh sĩ dưới quyền biết bắn súng giỏi, đánh giặc hay để chống lại ngoại xâm nếu có xảy ra chiến tranh. Thời gian qua rất nhanh vì chàng luôn bận rộn. Các binh sĩ được ăn uống đầy đủ, luyện tập thường xuyên trong kỷ luật nên tinh thần lên cao và không thấy cuộc sống trên đảo buồn nản và cô đơn. Chàng cũng gặp vài người khách lạ lên đảo mà chàng biết chắc có vài người là bọn do thám Trung cộng giả dạng ngư dân. Chàng tin tưởng khi thấy tinh thần binh sĩ trên đảo, bọn Trung cộng sẽ bỏ ý định xâm lăng.

Chàng được phép về đất liền đầu tháng mười thì đầu tháng mười một Tổng Thống Diệm bị nhóm tướng lãnh phản loạn giết chết. Chàng bị lột lon và vào tù vì có liên hệ mật thiết với chính quyền ông Diệm. Ở trong tù, chàng tin chắc Huy đã hại mình vì riêng Huy mới biết chàng đã khám phá nhiều tổ đặc công cộng sản khi làm sĩ quan an ninh. Ba tháng sau, chàng được gặp Mai và biết Huy trở thành một phật tử nhiệt thành trong việc tranh đấu của Phật giáo miền Trung. Huy đã đến khuyến dụ Mai bỏ chàng, nhưng nàng từ chối vì thấy rõ con người xảo trá, ích kỷ của Huy. Nam không ngờ sự trả thù của người trí thức lại bần tiện đến thế! Năm tháng sau, Nam bị đày trở lại đảo Hoàng Sa với các binh sĩ đào ngũ và vô kỷ luật. Họ bị phạt một thời gian. Nếu có thay đổi sẽ được trả về đất liền và đưa ra mặt trận chiến đấu. Riêng số phận của Nam thì mù mịt. Nam ngán ngẩm cho quốc gia được điều khiển bởi nhóm tướng lãnh đảo chính. Họ xem việc bảo vệ Hoàng Sa là một hình phạt dành riêng cho những quân nhân phạm lỗi thì làm sao có thể chống lại ngoại xâm. Các công sự phòng thủ không được tu bổ và xây thêm lại bị nước biển và gió mạnh tàn phá nên ngày càng hư hại. Bầy dê đã bị các tướng lãnh chở về đất liền bán chia nhau tiền. Binh sĩ không được chăm sóc chu đáo về ăn mặc nên tinh thần xuống thấp. Họ chỉ được ăn sung sướng trong những ngày bắt cá cạn. Những ngày khác họ phải ăn cơm với muối hoặc nước mắm, vì thế họ trông được trở về đất liền từng ngày. Không có ghe thuyền tuần tiểu nên không biết được tình hình xảy ra trên các đảo khác. Số quân nhân bị rút xuống từ từ chỉ còn một trung đội khoảng ba mươi người đóng trên đảo Hoàng Sa, những đảo khác bị bỏ trống. Tình hình như thế chỉ khơi dậy lòng tham của Trung cộng. Họ chuẩn bị chu đáo một chương trình tỉ mỉ chiếm đảo để nới rộng lãnh thổ mà chính quyền miền Nam không hề hay biết để đề phòng. Nam đã sống thiếu thốn liên tục trong hai năm ròng rã, mới được xét thả vì bắt lầm. Nam bị giải ngũ. Tuy buồn rầu vì tình đời đen bạc nhưng Nam cũng được an ủi vì Mai vẫn chờ đợi và yêu thương chàng hết lòng. Nam mở một phòng mạch châm cứu để kiếm sống. Tiếng đồn Nam mát tay chữa đâu lành đó đã giúp cho chàng kiếm tiền dễ dàng. Mai vui mừng khi thấy Nam thành công và kính trọng cùng tin yêu chàng nhiều hơn. Họ đã làm đám cưới và sống hạnh phúc một thời gian dài. Nam luôn theo dõi tình hình Hoàng Sa vì chàng thấy mình đã được Biển Đông cho nhiều ơn huệ và ước mong chính quyền hiểu rõ vị trí quan trọng của Hoàng Sa đối với tương lai của tổ quốc. Chàng tìm đọc tất cả những tài liệu liên quan đến các hải đảo trên Biển Đông và viết một bản điều trần gởi cho chính phủ, nhưng không được cứu xét. Chàng rất buồn khi thấy Hoàng Sa đã bị bỏ rơi, nhất là khi nghe tin thềm lục địa Việt Nam có một trử lượng dầu hỏa lớn.

Vào đầu năm 1974, trong một lúc nói chuyện bàn về Hoàng Sa, một bệnh nhân là trung sĩ truyền tin trên một tàu hải quân nói với Nam:

– Nghe nói trước đây ông đã từng đóng quân trên đảo Hoàng Sa hai năm liền và rất thích thú với cuộc sống đầy thử thách ấy. Ngày mai có một tàu sẽ chở quân ra đảo, ông có muốn tháp tùng để ôn lại những kỷ niệm xưa không?

Nam vui mừng như bắt được vàng. Hơn mười năm qua, Nam đã cố quên đi những ngày đầy gian khổ ấy, nhưng trái tim chàng luôn hướng về Hoàng Sa với nhiều trăn trở, luyến thương và tiếc nuối. Chàng thương cho hải đảo khô cằn ấy đã chữa hết bệnh cho mình. Chàng sợ chúng sẽ mất vào tay Trung quốc nhưng không làm được gì hơn khi chính quyền không đủ tầm cở. Nếu được trở lại thăm Hoàng Sa vài ngày là chàng đã thấy hạnh phúc lắm rồi. Chàng gật đầu đồng ý. Khi lên tàu, chàng phải làm giấy cam kết trước mặt hạm trưởng là tình nguyện trấn giữ Hoàng Sa thì mới được chấp thuận. Khi nói chuyện với các binh sĩ trên tàu chàng mới biết là tình hình giữa ta và Trung cộng đang căng thẳng. Cách đây mấy hôm một chiếc tàu của ta đưa lên đảo một số sĩ quan bộ binh và công binh và một người Mỹ có mục đích điều nghiên kế hoạch xây cất lại các công sự phòng thủ. Đến giờ này mà chính quyền mới biết sự quan trọng của Hoàng Sa và tìm cách bảo vệ thì đã quá muộn.Chiến hạm này đã đuổi hai tàu chiến của Trung cộng ngụy trang đánh cá đang nấp tại đảo Hữu Nhật. Mấy ngày hôm nay bọn cộng sản Trung quốc đã đưa nhiều tàu chiến được ngụy trang thành tàu đánh cá đến vùng này. Hải quân ta cũng đưa một số chiếm hạn đến vùng này và chở theo một số binh sĩ tăng cường bảo vệ các đảo. Chiều hôm sau khi lên đảo Hoàng Sa, Nam thấy ba chiến hạm lớn của Trung cộng đậu đàng xa cùng nhiều tàu đánh cá và tàu đổ bộ của Trung cộng chạy rất nhanh tấp nập tới lui giữa hai đảo Duy Mộng và Quang Hòa. Các tàu chiến của ta cũng tiến về hai đảo này. Sau đó trận chiến đã xảy ra khi hải quân ta khai hỏa trước. Các tàu đánh cá của Trung cộng bỗng đổi thành tàu chiến với nhiều súng đại liên đang khạc đạn. Bên ta cũng bắn trả dữ dội. Có những đốm lửa nổ trên tàu địch và nhiều đám khói bay lên. Cả hai bên đều không rành thủy chiến, nhưng bên địch có nhiều tàu chiến nhỏ, gọn, nhẹ, dễ di chuyển và né tránh nên tấn công hữu hiệu bằng đại bác, đại liên cùng B40. Bên ta tinh thần của anh em rất cao, nhưng các chiến hạm đều lớn lại di chuyển trong vùng có nhiều đá ngầm san hô nên xoay trở khó khăn và chịu nhiều tổn thất. Hầu như các tàu tham chiến đều bị trúng đạn đich, một chiếc chìm và hạm trưởng chết theo. Hải quân được lệnh rút lui để bảo toàn lực lượng cho cuộc nội chiến đang hồi quyết liệt. Trận hải chiến chấm dứt mà bên ta là kẻ thua trận.

Hôm sau nhằm ngày 27 tết ta, quân Trungcộng đổ bộ lên các đảo hằng hà sa số với hỏa lực hùng hậu. Lính phòng thủ chiến đấu anh dũng nhưng không đủ đạn dược và vũ khí hữu hiệu nên chỉ cầm cự được một lát thì bị bắt hết. Nam thấy rõ sự thất bại từ ban đầu. Trung cộng đã lừa chúng ta vào một trận hải chiến mà mọi điều kiện đều bất lợi cho ta thì làm sao chiến thắng được! Trong khi đó thì các tường lãnh đạo của ta chỉ biết tham nhũng, bỏ tiền vào đầy túi mà không nghĩ gì đến việc phòng thủ các hải đảo trên biền đông. Khi thấy binh sĩ Trung cộng nói tiếng Việt sành sõi, Nam biết rằng chúng đã chuẩn bị cuộc chiến này khá lâu chỉ chờ cơ hội chín mùi mới ra tay. Cơ hội ấy là chiến trường miền Nam đã đến hồi khốc liệt nên quân đội quốc gia bị bó tay, Mỹ không còn muốn dính dáng đến cuộc chiến tại miền Nam, tin tức về thăm dò dầu hỏa do các công ty ngoại quốc cho biết thềm lục địa Việt Nam nhất là vùng quanh các đảo Hoàng Sa và Trường Sa chắc chắn có dầu hỏa, cộng sản Bắc việt đã nhận quá nhiều tiếp liệu chiến tranh để xâm lăng miền Nam nên không dám phản đối. Trung cộng biết thế giới sẽ lên án mình khi không có bằng cớ về chủ quyền mà xâm chiếm nên đã tạo dựng lên màn hải quân ta khiêu khích và chúng chỉ chiến đấu để tự vệ thôi.

Những ngày sống trên đất Trung cộng với danh nghĩa tù binh, Nam càng thấy rõ cảm tưởng này hơn. Bọn Trung cộng luôn né tránh vấn đề chủ quyền mà chỉ luôn rêu rao là chiến đấu để tự vệ. Nếu các chính phủ sau ông Diệm biết rõ tầm quan trọng của quần đảo Hoàng Sa và quyết tâm bảo vệ thì Trung cộng khó lòng xâm chiếm. Mình có của mà không biết giữ thì kích thích lòng tham của người ngoài. Chàng càng đau lòng hơn khi được bọn Trung cộng cho xem công hàm ngoại giao của Việt cộng do thủ tướng Phạm Văm Đồng ký xác nhận chủ quyền của Trung cộng trên các đảo Hoàng Sa. Mẹ Việt Nam thân yêu chắc phải đau khổ nhiều khi thấy đàn con vong bản vì quyền lợi của đảng phái mà đang tâm bán rẻ một phần cơ thể mẹ cho ngoại bang. Các nước trên thế giới tuy phẩn nộ trước sự xâm lăng của Trung cộng nhưng thấy Mỹ làm ngơ thì bỏ mặc. Đấy là một bằng cớ chứng tỏ Việt Nam là một món mồi ngon cho Trung quốc trong tương lai.

Khi cộng sản cưỡng chiếm miền Nam thì Nam đã đưa gia đình vào sống ở Lam Sơn gần Vũng Tàu. Chàng không dám về Đà Nẳng vì sợ bị cộng sản trả thù. Chàng chọn Lam Sơn vì ngoài tình yêu Biển Đông, chàng còn có ý định trốn ra khỏi nước khi thấy cộng sản áp đặt một chế độ độc tài, tàn ác ra ngoài sự chịu đựng và tưởng tượng của mọi người. Tháng 5-78, tại Sàigòn, chàng gặp lại Huy sau hai năm cải tạo. Khi biết Nam ở Lam Sơn, Huy mừng rỡ van xin Nam tìm cơ hội cho gia đình chàng vượt biên. Thấy tình cảnh khốn khổ của Huy khi nếm mùi cộng sảm, Nam thương nên quên hết những trục trặc trong quá khứ và hứa nhận lời giúp.

Một tháng sau, hai gia đình Huy và Nam đã an toàn lên được một chiếc ghe đánh cá với bốn mươi bảy người khác rời Lam Sơn trực chỉ Biển Đông. Nam không ngờ ông chủ ghe muốn kiếm thêm tiền nên đã để thợ máy ở lại. Ghe chạy được một ngày thì bơm nước làm mát máy bị hư. Không có thợ máy, nên mọi người đồng ý chạy đại cho đến khi nào máy hư thì thôi và hy vọng sẽ được tàu ngoại quốc cứu. Họ đã gặp hai mươi lăm chiếc thương thuyền ngoại quốc nhưng không được cứu vớt. Ghe chạy thêm được một ngày nữa thì máy hư vì quá nóng. Ghe trôi theo gió suốt mười lăm ngày. Mọi người trên ghe đều kiệt sức vì thiếu nước, thiếu ăn và gặp bão. Đã có hai người chết vì không đủ sức chịu đựng. Cuối cùng ghe bị bể vì chạm mạnh vào một đảo san hô. Mọi người khó nhọc giúp nhau leo lên những mỏm san hô cao và kêu la cầu cứu khi thấy đèn sáng trên một đảo gần đấy. Một thời gian sau mọi người mừng rỡ khi thấy một chiếc xuống cao su có bốn người đang chèo tới. Sức chịu đựng của họ cạn kiệt nên phần lớn ngất đi. Xuồng cao su vớt từng nhóm người đưa lên đảo. Họ tỉnh dậy khi được cho uống nước và cháo. Điều làm họ buồn nhất là thấy những kẻ cứu mình là bộ đội cộng sản Việt. Như vậy là họ phải vào tù không biết ngày nào mới ra được. Riêng Nam chàng vui mừng khi thấy cộng sản đã cho người bảo vệ các đảo ngoài Biển Đông. Nhờ đó chàng cảm thấy mạnh khỏe mau chóng. Chàng thay mặt mọi người cám ơn. Thủ trưởng hỏi:

– Có phải các ông bà vượt biên không?

Nam đành gật đầu thú nhận. Thủ trưởng buồn rầu, tia nhìn xa vắng, bảo:

– Đất nước đã hoàn toàn độc lập rồi. Sao các ông bà không ở lại xây dựng mà lại ra đi?

Thấy vẻ mặt nhà quê, hiền từ, trung hậu của ông thủ trưởng, Nam không muốn giải thích vì sợ chạm đến niềm tin thuần khiết nơi ông ta. May mắn tất cả đều lấy lại sức nhanh chóng chỉ trừ một bé trai con Huy bị sốt cao, làm kinh, mê man vì nhiểm trùng nặng. Nam đã dùng kim châm lấy máu trên các đầu ngón tay thì sốt và kinh giựt giảm, nhưng muốn hết nhiễm trùng thì cần phải có trụ sinh. Ông thủ trưởng ra lệnh cho Huy và một bác sĩ của đơn vị đem tất cả thuốc có trong kho ra xử dụng, bằng mọi giá phải cứu cho em bé khỏi bệnh. Trong đêm lên đảo đầu tiên, mọi người đều ngủ mê man sau những ngày tỉnh thức để đương đầu với hiểm nguy thường trực, thì chính ông ta đã bồng em bé suốt đêm vào lòng để sưởi ấm và theo dõi tình trạng sức khỏe. Ba ngày sau thì em bé đã khỏi bệnh. Ông ta vui mừng tươi cười bảo:

– Cháu đã khỏe rồi. Tôi vui lắm. Thấy cháu, tôi nhớ lại vợ con. Hơn ba năm nay tôi chưa hề được về thăm nhà để biết mặt con. Từ ngày giải phóng miền Nam xong, tôi được đưa ra đây ngay và chưa được phép trở về thăm nhà. Mấy hôm nay ôm cháu trong lòng, tôi nhớ đến vợ con lắm.

Thấy nụ cười héo hắt trên khuôn mặt nghiêm trang của ông thủ trưởng nhiều người cảm động khóc ròng. Riêng Nam biết rằng ông ta là một đảng viên cộng sản gương mẫu, nhưng đâu có được Đảng trọng dụng. Họ đã đáp lại tấm lòng trung thành của ông bằng cách đày ải ông vào nơi đất chết và ung dung thụ hưởng những tiện nghi vật chất ở miền Nam. Tuy ông ta ít nói nhưng tia nhìn và cử chỉ ân cần đầy thương yêu đối với người đồng hương đang lâm nạn đã nói lên hết sự cao thượng trong tâm hồn ông. Hơn ba năm qua họ đã tiếp xúc với các đảng viên cộng sản mất hết nhân tính nên có cái nhìn thiên lệch và khắt khe. Bây giờ gặp được một con người thật trong lớp vỏ của một đảng viên cộng sản họ mới giựt mình: té ra đâu có phải đảng viên cộng sản nào cũng xấu, kiêu ngạo, nói dóc và đóng kịch giỏi. Tính thiện trong tâm mọi người Việt luôn sống động dầu ở dưới bất kể chế độ nào.

Qua những câu trả lời ngắn ngủi của quân nhân trên đảo, dần dà người mới đến biết được là họ phải ở lại trên đảo ba mươi chín ngày nữa chờ tàu ở Cam Ranh ra đón về đất liền. Trong khi chờ đợi, theo lệnh của thủ trưởng cả quân trú phòng và người mới đến phải chia nhau ăn uống dè xẻn trên số lương thực ít ỏi hiện có. Tuyệt nhiên không ai biết mình đang ở trên đảo nào trong Biển Đông. Riêng Nam khi thấy lá cờ Phi phất phới trên kỳ đài ở một đảo gần đó khoảng năm cây số thì biết là mình đang ở trên đảo Song Tử tây gần với đảo Song Tử đông của Phi. Đảo này nằm về cực bắc của quần đảo Trường Sa. Chính nhờ tình thương tha thiết gắn bó với Biển Đông mà Nam chịu khó đọc và sưu tầm những tài liệu liên quan đến miền đất xa lạ đối với nhân dân cả nước. Khi được bạn bè đi cùng ghe hỏi mình đang ở đâu thì Nam bảo:

– Chúng ta hiện ở trên một đảo của quần đảo Trường Sa. Các anh em trên đảo là những người can đảm, yêu nước đã dám từ bỏ cuộc sống sung sướng trên đất liền để bảo vệ lãnh thổ trước sự xâm lăng của Trung cộng. Tôi rất cảm phục sự can trường ấy và ân hận đã bỏ nước ra đi mà không đóng góp được gì cho xứ sở.

Phát biểu của Nam làm cho những người cộng sản trên đảo bằng lòng. Họ nhìn Nam với ánh mắt đầy thiện cảm chứ không nghi ngờ như khi mới lên đảo. Họ cho phép riêng chàng được vào kho đem gạo ra nấu cháo. Lúc đầu Nam có ý định ăn cắp chiếc xuồng cao su để đưa cả gia đình đến đảo do Phi chiếm đóng. Nhưng khi biết muốn xử dụng xuồng phải có ba người bộ đội khác nhau đồng ý. Một người giữ xuồng, một người giữ bơm và một người giữ chèo. Sau khi xử dụng thì xuồng bị bóp dẹp lại cho thoát hết khí được bơm. Nếu một trong ba người không đồng ý thì chả bao giờ xử dụng được xuồng. Nam thấy ngay trong nội bộ của họ mà cộng sản đã tạo nên một tinh thần chia rẽ, nghi kỵ và kiểm soát nhau chặt chẽ như thế thì lật đổ được bạo quyền cộng sản là một việc khó thực hiện được nếu toàn dân không đồng lòng. Vì thế chàng quyết tâm bằng mọi giá phải đưa gia đình ra khỏi địa ngục trần gian này. Từ đó chàng quan sát và thấy trong kho có một số phao cá nhân. Vợ Nam và bốn con đều bơi giỏi và gan lì vì họ cũng yêu biển như chàng và bị ảnh hưởng bởi tính can đảm của chàng. Nam nhớ lại lời thầy dạy xưa mà quyết tâm thực hiện ý định. Nam âm thầm sửa soạn cho cả gia đình dùng phao cá nhân bơi qua đảo do Phi chiếm đóng. Một đêm tối trời, Nam đã ăn cắp được sáu phao cá nhân và đưa gia đình vượt biên một lần nữa. Bơi độ hai giờ thì gia đình Nam đã lên được bờ của đảo kế cận. Sáng hôm sau, chàng đưa gia đình đến trình diện sĩ quan đồn trú trên đảo. Họ được đối đãi tử tế và thẩm vấn. Người sĩ quan hỏi chàng về tình hình các đảo trên Biển Đông. Bị đụng vào chỗ ngứa, Nam thích thú kể vanh vách tên, vị trí, lịch sử, địa lý, cấu tạo thổ nhưởng, thực vật, sinh vật trên các đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Thấy Nam biết nhiều ông ta đố:

– Ông biết quần đảo Trường Sa có bao nhiêu đảo không?

Nam lấy giấy vẻ ngay bản đồ và trả lời:

– Tất cả có gần năm trăm đảo, cồn, đụn, đá và bãi chia làm các khu: Khu bắc có các đảo chính là Loại Ta, Song Tử, Thị Tứ. Khu trung có các đảo chính là Chữ Thập, nhóm Sinh Tồn, nhóm Nam Yết. Khu nam có các đá chính là tây, giữa, đông, Châu Viên. Khu chung quanh đảo Trường Sa có nhiều bãi như Tứ Chính, Phúc Nguyên, Quế Đường, Phúc Tần, Huyền Trân. Khu đông có các đảo chính Bình Nguyên, Vĩnh Viễn và vùng đá ngầm Vành Khăn. Khu cực nam có đảo chính là An Bang, bãi Thuyền Chài.

Vợ con Nam há hốc mồn khi nghe chàng thao thao bất tuyệt những địa danh xa lạ bằng Anh ngữ. Ông sĩ quan Phi ngạc nhiên không kém trước kiến thức đa dạng và sâu sắc của một người Việt tầm thường đối với tổ quốc của họ. Ông ta đâu biết đã gặp một người suốt đời boăn khoăn, trăn trở về số mệnh của các đảo trên Biển Đông, đã tìm đọc thuộc lòng những tài liệu trong và ngoài nước liên quan đến các đảo ấy. Khoái quá, ông ta hỏi ý kiến làm sao chống lại sự khống chế của Trung quốc trên Biển Đông, Nam bảo:

– Việc để mất Hoàng Sa là một lỗi lầm lớn của hai chính quyền Nam, Bắc Việt Nam. Từ đó Trung cộng càng tham lam hơn khi làm liều mà không ai phản đối. Hiện nay họ đang có ý đồ chiếm các đảo trong quần đảo Trường Sa khi thấy Đài Loan đã chiếm và xây dựng cộng sự phòng thủ trên đảo Loai Ta. Muốn chận đứng ý đồ của chúng thì các quốc gia liên quan phải tương nhượng nhau. Đã đành Hoàng Sa và Trường Sa là do người Việt tìm ra trước tiên và đã có những sử liệu ghi chép rõ ràng, nhưng cộng sản Việt Nam hiện nay có đủ sức mạnh và can đảm để giữ được những gì mà tổ tiên đã để lại không? Huống chi Trường Sa lại gần Phi hơn Việt. Vì vậy các nước lân cận Trường Sa như Việt, Phi, Mã, Brunnei, Nam Dương nên tương nhượng, nhường nhịn, đoàn kết lại và chia nhau chiếm giữ các đảo ấy. Trung quốc và Đài Loan xác nhận chủ quyền trên các đảo ấy là một việc vô lý, chà đạp lương tri của nhân loại và công pháp quốc tế, sẽ bị cả thế giới lên án.

Thật sự nếu chiến tranh dành đảo với Trung cộng có xảy ra thì họ sẽ bị hao mòn trên một chiến trường quá xa nên sẽ không chịu đựng nỗi những tổn thất nặng nề với liên quân của năm nước còn lại. Họ còn bị nhân loại có lương tri khinh miệt và xa lánh. Vì thế họ không dại gì chuốc khổ vào thân. Còn mỗi nước tự mình chống lại Trung quốc thì sẽ bị thảm bại mà còn làm cho họ thêm tham lam và kiêu căng. Trên bình diện ngoại giao quốc tế thì tiếng nói của năm nước đồng lòng phản đối sẽ mạnh mẽ hơn nhiều. Khi Trung quốc đã nhượng bộ ở Trường Sa thì mới nói đến chuyện chia đất ở Hoàng Sa. Theo tôi thì nếu ép Trung quốc nhường lại cho Việt Nam phần các đảo trong nhóm Nguyệt Thiềm đã là khó rồi. Khi họ đã chiếm một đảo mà bảo trả lui là một chuyện khó khăn.

Người sĩ quan Phi lắng nghe ý kiến trung dung và xây dựng của Nam. Ông ta gật đầu nói:

– Ý kiến của anh hay thật, tôi sẽ trình bày với chính quyền để có những sách lược hữu hiệu trong tương lai.

Nam vui thích khi thấy mình dầu phải lìa xa tổ quốc nhưng vẫn hăng say cho ý kiến xây dựng mỗi khi cần đến. Nhờ những kiến thức độc đáo về Biển Đông mà gia đình chàng được Mỹ nhận định cư trong thời gian nhanh nhất.

Sau một năm sống ở thành phố Atlanta, Nam đưa gia đình về định cư ở thành phố San Diego nằm trên bờ biển Thái Bình Dương, vì chàng không quên được tình yêu và lòng thương nhớ đến những hải đảo trong Biển Đông. Nam hành nghề châm cứu, có cuộc sống sung túc và an nhàn trên miền đất hứa. Các con học hành giỏi và luôn hãnh diện vì cha chúng đã hiến dâng trọn tuổi thanh xuân cho tổ quốc thân yêu. Tuy thế, mỗi chiều, Nam vẫn ngồi trên balcon nhìn biển Thái Bình lấp lánh dưới ánh sáng mặt trời và mơ về các hải đảo xa xăm trên Biển Đông. Chàng luôn nhớ ơn Biển Đông đã giúp chàng có cuộc sống hạnh phúc bên người vợ đẹp và đàn con khôn.

Nam cũng nhận được thư Huy cho biết người thủ trưởng làm thinh không bình phẩm gì khi hay tin Nam trốn khỏi đảo. Ông ta lấy số vàng trên chủ ghe và trả lại cho mọi người. Ông ta đích thân đưa mọi người về Cam Ranh và can thiệp để công an không tịch thu vàng của họ, trả tự do liền cho đàn bà và trẻ con. Nam càng thấm thía hơn khi thấy những đảng viên cộng sản cở nhò vẫn còn giữ được tính chất cao quí của người nông dân Việt thuần túy. Huy bị tù thêm hai năm nữa và liệt bán thân vì tai biến mạch máu não. Huy than thở nghèo đói, con cái bỏ học kiếm sống và van xin Nam giúp đỡ tiền bạc. Từ đó Nam nghiệm ra cái huyền diệu trên lá số của những người sinh cùng giờ, cùng ngày, cùng tháng, cùng năm và tin tưởng ở tương lai của tổ quốc khi đảng cộng sản không còn thống trị nữa.

Hoà Mỹ
Montreal-Canada

This entry was posted in 3-Tập truyện TỔ  CHIM  XANH, Truyện ngắn and tagged , , . Bookmark the permalink.

Leave a comment