CHUYẾN BUÔN MIỀN TRUNG

Mặt trời vừa lặn. Những đám mây ráng đỏ ở phương tây như cố giữ lại vẻ rực rỡ của ngày tàn. Từng cơn gió mát từ đồng trống thổi vào khiến đám hành khách đứng chờ tầu thống nhất tại ga Bìnhtriệu cảm thấy dễ chịu. Họ là các công nhân viên từ Bắc vào Nam phục vụ nay được phép về thăm nhà. Họ là thân nhân các gia đình đảng viên cao cấp thuộc mọi ngành ở miền Bắc được cấp giấp phép công tác đặc biệt vào Nam, nhưng thực ra là những tay buôn chuyên nghiệp. Mỗi người đem theo hàng trăm kí lô hành lý. Bao nhiêu sản phẩm phồn vinh giả tạo của Mỹ đã đổ vào miền Nam trước đây nay được họ thu góp đem về làm giàu cho miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Họ không đăng ký gởi hành lý vì sợ tốn tiền và mất. “Người đâu của đó” là tâm niệm của mọi đảng viên cộng sản.

Vì an ninh, thành ủy đã dời ga Sàigòn ra Bình Triệu. Mỗi chiều, hai chuyến tàu từ ga Chí Hòa ra Bình Triệu đón khách. Một chuyến tàu chợ và một chuyến tàu suốt. Tàu chợ là của nhân dân. Các toa xe cũ kỹ, bẩn thỉu, tồi tàn. Tàu ngừng lại ở nhiều ga và chạy chậm vì chở nặng. Tàu do các đầu máy hơi nước cũ kỹ, già nua cả trăm năm kéo. Vé bán không có số và không giới hạn nhưng ít người chịu mua vì hối lộ bọn soát vé trên tàu lại rẻ hơn. Tàu chật đến ngạt thở. Mỗi lần tàu sắp vào ga, trẻ con bu lên toa để chiếm chỗ bán lại. Khi tàu dừng, hành khách chen chúc, hỗn độn, dành nhau lên xe. Họ là nhân dân nghèo đói vì giấy phép đi đường do công an cấp không được phép mua vé tàu suốt. Họ là thanh niên trốn lính, không giấy tờ hợp lệ, vì di chuyển theo kiểu này dễ trốn tránh công an kiểm soát khi tàu đang chạy. Họ là dân buôn, phần đông là vợ sĩ quan, công chức cũ đang cải tạo, vì buôn theo lối này ít thuế. Nhân viên thuế vụ chỉ tính đại khái số tiền mà mỗi toa phải đóng. Dân đi buôn thương yêu, nhường nhịn nên chia xẻ cùng nhau chịu thuế một cách êm thấm. Hàng hóa nhiều nên việc buôn lậu khó bị bắt. Chỉ có hai điều bất tiện là thời gian ngồi trên xe quá lâu và việc lên xuống hàng hóa cực nhọc. Những người không quen đi buôn thì việc chen chúc hàng mấy ngày đêm trên một toa xe chật như nêm, nóng như lửa là một cực hình. Những người quen thì không thấy khó chịu mấy. Mỗi người đem theo một chiếc võng. Khi xe chạy, họ treo võng cùng khắp mọi nơi và nằm ngủ dễ dàng. Con người có khả năng thích hợp với hoàn cảnh mau chóng. Họ là những thiếu phụ trước đây từng lên xe, xuống ngựa, cả ngày vùi đầu vào các sòng bạc hay đi phố mua sắm. Thế mà khi chồng vào tù, họ lặn lội khó nhọc để kiếm từng đồng nuôi chồng con. Họ đi từng đoàn ba người. Quần áo bà ba, ví tiền nhét vào túi quần trước, chỗ bụng dưới nên khó bị cướp giật. Khi lên hàng, hai người đứng dưới nâng hàng tạ gạo, bắp lên ngang cửa sổ, một người ở trên kéo vào toa. Họ làm thoăn thoắt, thành thục không thua kém gì các phu khuân vác. Nếu trước đây họ chịu sống thanh bần, khuyến khích chồng làm tròn trách nhiệm, không tham lam, thối nát thì làm sao cộng sản chiếm được miền Nam? Nếu gặp bọn công an hay thuế vụ ác ôn, họ hùa nhau la ó, phản đối, nên bọn này cũng ngán mà không dám làm điều gì quá đáng.

Buôn bán cá thể bị cấm trong xã hội chủ nghĩa, vì chính quyền hiểu rõ câu “phi thương bất phú”. Dân chúng biết trái nhưng vẫn làm vì thế chính phủ có quyền tịch thu hàng hóa. Tuy nhiên bọn thuế vụ làm lơ để kiếm chút tư lợi. Chính quyền làm lơ để khi nào có thiếu tiền thuế hay cần tiền chiêu đãi các giới chức cao cấp, họ ra lệnh tịch thu hết các hàng hóa trên tàu. Dân chúng nhiều khi mất vốn, nhưng đây là phương tiện mưu sinh có lợi nhất, đành liều với số mệnh. Vì thế, mặc dầu việc buôn bán cá thể trái với chủ thuyết Mác Lê, nhưng chính phủ cũng không thể và cũng không muốn tận diệt.

Tàu suốt là của Ðảng. Tàu có 4 toa giường ngủ, 8 toa ghế ngồi, một toa phòng ăn với các món ăn rẻ tiền. Vé được bán trước cả tuần. Phải có đầy đủ giấy tờ giới thiệu mới được mua vé. Dân giàu có muốn di chuyển cho thoải mái cũng có thể mua vé chợ đen gấp 30 lần giá chính thức. Tàu do hai đầu máy dầu cặn kéo và đẩy nên chạy mau, không dừng lại ở ga nhỏ, không có nạn đi lậu vé. Tại các cửa lên xuống đều có công an vũ trang đứng gát nên không có nạn cướp giật nhỏ. Lâu lâu cũng có nạn cướp giật lớn trên lãnh thổ miền Bắc. Thân nhân các đảng viên cao cấp dùng tàu này để buôn đường xa, làm giàu mau chóng vì không bị kiểm soát, không bị thuế và không bị tịch thu. Ðảng và nhân dân di chuyển và buôn lậu cũng hoàn toàn khác nhau trong chế độ xã hội chủ nghĩa.

Trên sân ga có hai chàng trung niên đội mũ cối, mặc quần áo bộ đội, đi dép râu, tỉnh bơ nhìn thiên hạ lên xe. Khi tất cả thư từ được chuyển lên một toa xe đặc biệt dành riêng cho bưu điện và tàu kéo còi chuẩn bị chuyển bánh, họ thong thả trèo lên toa xe ấy và cửa được đóng lại ngay. Họ trao đổi vài câu xã giao thông thường với các nhân viên áp tải bưu điện, xong treo hai chiếc võng sát nhau và ngủ một giấc ngon lành cho đến sáng. Ðó là hai chàng đi buôn. Trong túi da của họ có nhiều vàng và tài liệu. Tiền lời dùng để làm gì? Tài liệu mang theo chứa đựng những gì? Ðó là hai bí mật không thể tiết lộ được. Chúng ta hãy theo dõi công việc buôn bán của họ thôi.

Họ đã quan sát mọi khía cạnh của việc di chuyển bằng đường bộ. Ði xe đò thì dễ bị công an kiểm soát đồ đạc mang theo. Chen chúc trên tàu chợ thì dễ bị cướp giật. Ði theo tầu suốt như các cán bộ thì cũng bị công an kiểm soát thường xuyên. Toa xe bưu điện đối với họ có nhiều ưu điểm nhất. Vừa an toàn, vừa bí mật, lại không bị công an làm rộn. Họ đã liên lạc với nhân viên áp tải bưu điện trước đây hai giờ và đã thỏa thuận trên giá cả cũng như giờ giấc lên xe. Nhân viên bưu điện thì cần tiền. Hai chàng thì ít nói, không có hành lý mang theo, vui tính, không làm rộn đến họ nên không ai thắc mắc. Trước 75 họ là hai đại úy độc thân, tốt nghiệp từ trường Võ Bị Ðàlạt, thuộc sư đoàn 5 bộ binh, đóng tại Lai Khê. Họ đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Họ bị cộng sản bắt và đưa đi học tập cải tạo tại Bình Long. Sáu tháng sau họ vượt ngục về Sàigòn, sống không hộ khẩu, không gia đình, không giấy tờ hợp lệ. Khi làm giấy tờ giả, họ cãi nhau nhiều về tên phải chọn.

Một người đặt tên là Tám Sắc vì theo anh ta sau khi chết thế nào cũng gặp lại ông Hồ nơi địa ngục như lời ông ta đã tin tưởng khi làm bản chúc thư. Nhờ tên Sắc, anh ta sẽ làm cha ông Hồ và dạy dỗ cho ông ta nên người để khi đầu thai kiếp khác không trở thành kẻ khốn nạn chỉ nghĩ đến quyền lợi của Ðảng mà không đếm xỉa gì đến quyền lợi của quốc gia. Tám Sắc có thân hình vạm vỡ, da màu đồng đen, không phải vì lam lũ công việc đồng án, mà vì di chuyển thường xuyên trên bộ cũng như trên sông.

Chàng kia đặt tên là Năm Tối vì anh ta cho rằng bao nhiêu tên Minh đã đem dân tộc vào vòng khốn khổ, thì tên Tối có lẽ giúp ích được cho dân chúng nhiều hơn. Năm Tối cao và ốm, khuôn mặt xương xương, môi luôn nở nụ cười dễ gây thiện cảm với người khác, có biệt tài làm con dấu giả. Trong túi da của anh ta có đủ dụng cụ để khắc dấu. Với một bàn máy chữ mượn được ở một địa phương nào đó, anh ta có thể làm bất cứ loại giấy tờ nào cần thiết.

Nguyên tắc căn bản của họ là không để cho đối phương biết con người thật. Với họ, thực giả lẫn lộn. Ðến địa phương nào lạ, họ nhờ người quen nghiên cứu kỹ đường đi hoặc có người hướng dẫn. Trên đường họ thủ khẩu như bình. Không bao giờ họ nhờ nhân dân chỉ đường hoặc nhà cửa của kẻ cần tìm. Hoặc họ đi ngay tới chỗ họ muốn, hoặc trở lui khi không tìm thấy. Họ cũng nghiên cứu kỹ càng quá khứ và tính tình, sở thích của kẻ cần thuyết phục để luôn chiếm thượng phong. Công việc chính hiện nay của họ là liên hệ với các hợp tác xã nông nghiệp, các ty hải sản và công nghiệp của các tỉnh miền Trung để mua lại các loại máy dầu cặn ba xylanh hiệu Yanmar từ 30 đến 45 ngựa đem về Sàigòn bán cho các tổ chức vượt biên. Nếu thành công thì một vốn mười lời. Nếu thất bại thì sạt nghiệp mà còn bị ở tù mãn kiếp. Trước đây nhiều người làm công việc này, nhưng thất bại nhiều hơn thành công nên xoay sang buôn các loại máy nhỏ, dễ di chuyển, dễ thu dấu. Họ rã máy nhỏ ra thành nhiều phần và cho vài người đem lên xe lửa vào Sàigòn và bán về miền Tây. Trước đây dân Nam dùng các máy xăng nhỏ để chạy ghe và bơm nước. Máy xăng mạnh, nhẹ nhàng, dễ nổ nhưng tốn nhiều tiền mua xăng. Dân Nam giàu nên không để ý đến nhược điểm này. Dân Trung cần kiệm, tính toán hơn nên chỉ mua các loại máy kéo hoặc thủy động cơ dầu cặn hiệu Yanmar vì máy có nhiều ưu điểm: tốn ít nhiên liệu, bền, dễ bảo trì. Sau khi thống nhất, ở Trung, chính quyền tịch thu hoặc cho vào hợp tác xã các máy dầu cặn từ hai xylanh trở lên. Dân chúng còn dấu được một số máy dầu cở nhỏ. Miền Nam kinh doanh cá thể còn thịnh hành nhưng xăng mắc và khan hiếm, nên dân chúng đổ xô đi mua máy dầu cặn dùng bơm nước hoặc chạy ghe. Các tổ chức vượt biên lại thích mua các máy dầu cặn ba xylanh trở lên nên một số người ra Trung mua về bán. Tuy họ khôn ngoan, trăm phương, ngàn kế nhưng cũng không qua mặt được bọn công an. Sau đó họ quay sang buôn các máy dầu nhỏ. Tám và Năm tuy ra nghề muộn, nhưng hành động liều lĩnh và độc đáo nên lừa được chính quyền cộng sản để thủ lợi.

Về Sàigòn họ ở trên một chiếc ghe do một trung úy hải quân vượt ngục coi sóc. Anh ta có tài in được mọi giấy tờ giả mạo với phương tiện thô sơ nhất. Ghe đăng ký tại Châu Ðốc. Họ có lệnh điều vận chở mật mía từ Tânchâu về Sàigòn cho các hợp tác xã nấu rượu. Ghe đậu trước phường công an quận 5. Mỗi lần ghe đậu tại bến, họ mời công an xuống ghe ăn nhậu bằng thích, nên khi họ phải đi đâu 5 ngày, nửa tháng thì công an nhớ quay quắt. Mỗi lần ghe ghé bến, công an vui mừng như trẻ đón mẹ đi chợ về. Họ là những kẻ sống bất hợp pháp nhưng ngang nhiên không có một mặc cảm tội lỗi nào đối với công an. Trong người họ luôn luôn có hai xấp giấy tờ để trong hai túi áo sơ mi. Tập giấy thứ nhất gồm chứng minh nhân dân, thẻ cử tri, giấy phép đi đường của một nông dân từ Châu Đốc về Sàigòn. Ở các tỉnh miền Tây và Sàigòn, họ xài tập giấy này. Tập thứ hai gồm chứng minh nhân dân, thẻ cử tri, thẻ đảng viên, giấy tờ giới thiệu của nông hội tỉnh Hậu Giang. Ở các tỉnh miền Trung họ xài tập giấy này.

Tàu dừng lại ở Tuy Hòa. Họ xuống xe đi bộ vào thành phố. Họ đến thẳng một garage nằm cạnh quốc lộ I. Chủ garage vui mừng gặp họ. Sau khi chủ đưa khách lên lầu 3, yên tĩnh, mát mẻ, an toàn, Tám hỏi ngay:

– Anh đã làm giúp công việc chúng tôi nhờ chưa?

Chủ xoa tay vui vẻ trả lời:

– Sao gấp quá vậy! Các anh phải ở lại chơi với chúng tôi vài bữa. Có nhiều việc cần bàn. Bây giờ hai anh nằm nghỉ. Tôi đi gọi các anh em khác đến. Việc các anh nhờ tối nay hãy bàn đến.

Tám đứng dậy, đóng cửa sổ, mở túi da lấy xấp tài liệu đưa cho chủ nhà và nói:

– Chúng tôi bận lắm. Sàigòn đang cần chúng tôi. Ðây là xấp tài liệu để các anh thảo luận. Tuần sau sẽ có người đến gặp các anh bàn cụ thể hơn. Bây giờ xin anh tóm tắt cho biết câu chuyện đã đi đến đâu rồi, để chúng tôi có thì giờ tính kế hoạch. Tối nay chúng ta bàn kỹ lại và mai thi hành. Hẹn lần sau sẽ gặp các anh em khác.

Chủ nhà cố nài nĩ:

– Anh em ở đây ao ước được gặp các anh. Họ cảm động về sự giúp đỡ tận tình của các anh. Các anh không thể dành cho họ một buổi tối được sao?

Năm và Tám cùng đăm chiêu suy tính, cuối cùng Năm nói:

– Xin anh đừng tiết lộ cho anh em biết là chúng tôi ra đây. Hiện nay chúng tôi chưa thấy cần gặp họ vội. Mong anh hiểu cho những khó khăn chúng tôi phải đương đầu. Các tình cảm nhỏ nhặt gát qua một bên. Bây giờ xin trở lại vấn đề chúng tôi đã nhờ anh.

Trước thái độ cương quyết của hai người, chủ nhà đành bảo:

– Thôi được, nếu hai anh thấy bất tiện thì chờ dịp khác vậy. Việc các anh nhờ, tôi đã tiến hành xong. Ở đập Ðồng Cam hiện nay có ba máy Yanmar còn tốt 80%. Chủ nhiệm là một đại úy bộ đội chuyển ngành. Tuy nghèo nhưng ông ta theo đúng các nguyên tắc nhà nước đặt ra nên ban quản trị kính nể ông ta lắm. Ðiều khó khăn là làm sao thuyết phục được ông ta. Ở phòng công nghiệp thị xã có bốn máy Yanmar còn tốt 90%. Trưởng phòng là đảng viên từ Bắc vào. Ông ta móc ngoặc được với mọi giới chức liên hệ nên toàn quyền trong việc bán máy. Ðiều khó khăn là giá rất mắc.

Hỏi đầy đủ các chi tiết cần thiết, Tám và Năm vạch một chương trình hành động hữu hiệu để có thể mua được 7 máy với giá hạ.

Ðập Ðồng Cam nằm cạnh quốc lộ 7, cách Tuy hòa 15 km. Hợp tác xã thủy lợi Ðồng Cam có nhiệm vụ bảo trì mương, đập và phân phối nước cho cánh đồng Tuy Hòa. Sau khi trình giấy giới thiệu của tỉnh ủy Hậu Giang, chủ nhiệm niềm nỡ tiếp hai người. Ông ta nói:

– Tôi là Ba Dinh, trước phục vụ ở sư đoàn 320, nay được điều về đây. Các đồng chí trước phục vụ ở đâu?

Tám rút gói thuốc rê mời chủ nhiệm, vấn một điếu và nói:

– Chúng tôi trước đây là bộ đội du kích của quân khu 9. Nay về làm ruộng. Ðể giúp đồng bào miền Nam quen dần với lối sản xuất tập thể, chúng tôi tham gia nông hội tỉnh. Có phải đồng chí là đại úy điều khiển đại đội đóng chốt trên đèo Tuna làm thiệt hại nặng cho hai liên đoàn biệt động quân Ngụy trong cuộc di tản chiến thuật từ Cao nguyên về Tuy Hòa không? Báo nhân dân ca ngợi nhiều lắm. Chúng tôi ước ao bắt chước mà không có cơ hội.

Chủ nhiệm khoái chí, rít một hơi thuốc, hai mắt sáng rực lên, say sưa nói:

-Các đồng chí quá khen. Nhờ ơn Bác và Ðảng, chúng tôi mới có được thành tích đó. Bây giờ nhớ lại các hiểm nguy phải đương đầu lúc ấy mà khiếp.

Thế rồi ông chủ nhiệm thao thao bất tuyệt về chiến công oanh liệt của mình. Hai người đối thoại ngồi nghe chăm chú, lâu lâu lại nịnh một câu, hỏi vài chi tiết lờ mờ. Ba mươi phút sau, những nghi kỵ ban đầu không còn nữa. Ông chủ nhiệm xem hai người đối diện như bạn bè thân thiết. Ông khen thuốc ngon và lần lượt kêu từng người trong ban quản trị đến giới thiệu, góp chuyện và hút thuốc. Ðó là tình trạng chung của mọi cơ quan nhà nước cộng sản. Công việc không có bao nhiêu. Cán bộ chỉ ngồi đấu láo và chờ chia nhu yếu phẩm. Thế mà khi có việc thì lại làm tắc trách cho xong nên kết quả thật bi thảm.

Sau khi tán dương thành tích của mọi người trong hợp tác xã, chủ nhiệm mới hỏi:

– Chúng tôi có thể giúp các anh được gì?

Gói thuốc rê của Tám đã hết nhẵn một cách mau chóng. Năm lại chìa gói thuốc của mình cho mọi người và nói:

– Chúng tôi được biết nhờ bảo trì tốt, phân phối nước hợp lý, chống hạn, chống úng kịp thời của các anh mà các hợp tác xã nông nghiệp trong tỉnh đã thâm canh, tăng vụ, vượt chỉ tiêu 150%. Chúng tôi muốn học hỏi kinh nghiệm đem về áp dụng cho tỉnh nhà. Trong Nam dân chúng chưa thấy cái lợi của sản xuất tập thể nên còn e dè, ngại khổ, ngại khó. Các anh giúp chúng tôi hoàn tất tốt khâu này là các anh đã góp phần xây dựng Ðảng và tổ quốc.

Mọi người được dịp tâng công nên vui vẻ trình bày các kinh nghiệm và khó khăn của mình gặp phải. Tám và Năm chăm chú ghi chép. Sau cùng chủ nhiệm đưa họ đi thăm mọi nơi trong hợp tác xã. Khi thấy ba máy Yanmar bỏ lăn lóc ngoài mưa nắng, rỉ sét khá nhiều, Tám hỏi:

– Sao không bỏ máy vào kho?

– Chúng tôi đã sửa đi, sửa lại nhiều lần mà máy không chạy nên đang xin ty công nghiệp cho đại tu mà không thấy trả lời. Chúng tôi đã đòng ý làm biên bản phế thải nên không cần bảo trì nữa.

Năm lật trục quay lên xem thì thấy dấu niêm giữa trục quay và tay quay còn nguyên, nghĩa là máy chưa bị mài lần nào, đúng như lời chủ garage bảo: “máy còn tốt 80%”. Năm nói dối trơn tru:

– Chúng tôi đã ghé thăm ty công nghiệp. Trong kho chất đầy các loại máy phế thải nên họ không còn chỗ để đem số máy này về. Tại sao các anh không bán cho các lái buôn tư nhân?

– Cũng có nhiều người đến xem, trả giá. Họ đặt điều kiện là chúng tôi phải làm giấy bán và cấp giấy di chuyển. Chúng tôi thấy khó khăn nên từ chối.

Tám đề nghị:

– Chúng tôi đồng ý mua với các điều kiện của các anh thì sao?

Chủ nhiệm do dự:

– Chắc phải thông qua ban quản trị.

Trong buổi hội ý sau đó, mọi người đồng ý bán với giá 30.000 đồng tức ba lượng vàng, nhưng chủ nhiệm lại không đồng ý với lý do chỉ trung ưöng mới có quyền quyết định việc mua bán máy móc giữa các tỉnh với nhau. Tám cố gắng phân tích:

– Chúng tôi đã xin trung ương phân phối các máy dầu lớn để chạy đường nước chống hạn, thâm canh, tăng vụ, nhưng 3 năm qua không thấy kết quả gì. Họ đặt điều kiện là nhân dân phải vào hợp tác xã hết thì trên mới xét cấp. Dân thì nghi ngờ khả năng của các hợp tác xã nên không chịu vào. Trong khi các anh dư máy bỏ lăn lóc thì chúng tôi lại thiếu. Chúng tôi đã hội ý với tỉnh ủy Hậugiang và nhất trí là phải chủ động trong việc phục hưng kinh tế cũng như trước đây chúng tôi đã chủ động trong việc chống Mỹ cứu nước. Dân Nam còn nhiều tiền. Họ dám bỏ tiền chung nhau chạy đường nước thì bổn phận của nhà nước là phải làm sao mua được máy cho họ. Vài năm nữa tiến lên hợp tác xã thì máy là của chung. Chỉ với cách này, ta mới móc tiền của họ một cách hợp pháp mà họ không bất mãn. Chúng ta phải áp dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác Lê dựa vào các đặc điểm địa phương làm sao cho có lợi nhất là được. Bác Hồ muôn vàng kính yêu đã từng nói: “Cứu cánh biện minh cho phương tiện”. Hiện nay chúng tôi dùng các phương tiện không theo đúng đường lối chung, nhưng cuối cùng tài sản cũng là của Ðảng mà giúp cho dân chúng thấy cái lợi của sản xuất tập thể. Nếu chúng tôi ngồi chờ thì các máy ở đây đã rỉ hết mà đồng bào trong Nam lại không có máy dùng. Trước đây, vì tình thế khó khăn, bác Hồ đã ký hiệp định sơ bộ mặc dầu đi ngược lại quyền lợi của dân chúng nhưng Ðảng ta đã có thì giờ tiêu diệt hết các đảng phái khác và nắm chắc chính quyền. Nhờ óc sáng tạo của bác Hồ chúng ta mới có ngày nay. Vì lợi ích chung của dân tộc, vì tình hình khó khăn trong bước đầu xây dựng kinh tế, chúng tôi mong các anh thông cảm. Chúng tôi không đòi hỏi các anh cấp cho một giấy tờ nào cả. Nếu có gì trục trặc, chúng tôi bảo là mua máy của dân, và xin tỉnh ủy Hậugiang can thiệp chứ không để các anh liên lụy vào.

Mọi người đồng ý là phát biểu của Tám có lý, có tình, thế mà chủ nhiệm vẫn khăng khăng từ chối. Ai nấy đều thất vọng lặng lẽ bỏ về nhà ăn trưa. Chủ nhiệm bối rối vì không có đủ phương tiện đãi khách.

Tám hỏi:

– Quanh đây có hàng quán nào không?

– Chỉ có tiệm tạp hóa chứ không có quán ăn.

– Vậy anh cho chúng tôi về nhà thăm chị và các cháu.

Chủ nhiệm đành miễn cưỡng nhận lời.

Ðến nhà, chủ nhiệm dục vợ nấu cơm thêm. Vợ chồng đang bối rối vì không biết lấy gì đãi khách thì Tám đã lôi từ giỏ ra một chai rượu trắng, một gói thịt quay, một gói xôi to và nói:

– Chúng tôi xin biếu anh chị chai rượu. Mời anh chị cùng ăn trưa với chúng tôi. Xin chị xào hộ lại thịt và hấp lại xôi cho nóng.

Hai vợ chồng chủ nhiệm vui mừng khi thấy khách lo liệu hết mọi thứ. Chủ nhiệm là một tay nghiện rượu nên vui vẻ bảo:

– Quí hóa quá! Chúng tôi đang lo lắng không biết lấy gì đãi hai anh.

Ăn xong, Tám lại thuyết phục tiếp:

– Phần hợp tác xã, chúng tôi trả 30.000 đồng. Phần anh chúng tôi xin thay mặt nhân dân tặng 20.000 đồng gọi là đền đáp phần nào công lao khó nhọc của anh đối với Ðảng và tổ quốc.

Chủ nhiệm há hốc mồM khi thấy Tám lôi ra một gói tiền nhét vào túi mình. Số tiền hối lộ quá to, kích thích mạnh lòng tham làm cho ông ta quên hết các nguyên tắc, các giáo điều. Ông ta liếc nhìn vợ thì thấy ánh mắt đầy tươi vui và đồng lõa. Biết từ chối thì sẽ bị vợ làm khổ dài dài, nên ấp úng:

– Cám ơn hai anh. Hai anh làm cho tôi khó nghĩ quá. Tôi phải làm sao để giúp hai anh đây?

Tám biết tuyệt chiệu của mình đã đánh gục đối phương nên vui vẻ bảo:

– Chiều nay, chúng tôi sẽ yêu cầu ban quản trị xét lại một lần nữa. Anh vẫn giữ lập trường cứng rắn. Khi chúng tôi đem hết lý lẽ ra thuyết phục anh mới nhận lời. Chúng tôi chắc chắn mọi sự sẽ êm đẹp. Ngày mai chúng tôi chở máy.

Trưởng phòng công nghiệp đưa Tám và năm đi xem 4 máy xong thì đề cập thẳng vào vấn đề:

– Tôi được mọi giới chức liên hệ tín nhiệm hoàn toàn trong việc mua bán. Các anh có thể thương lượng giá cả ngay tại đây.

Năm trả lời liền:

– Nếu được thế thì tốt quá. Ðỡ phải vất vả lôi thôi. Xin anh cho biết giá.

Trưởng phòng nói to để cho mọi người cùng nghe:

– Chúng tôi bán tất cả 400.000 đồng. Nhiều người trả đến 300.000 rồi mà chúng tôi chưa chịu.

Tám và Năm giựt mình vì thấy giá quá cao. Sau một lúc hội ý, Tám đề nghị:

– Chúng tôi chỉ có thể trả đến 150.000 đồng thôi. Các anh dư máy. Chúng tôi thiếu. Ðáng lẽ các anh giúp không cho chúng tôi thì mới phải. Chúng tôi không dám lợi dụng lòng tốt của các anh. Chúng ta thông cảm những khó khăn của nhau và đồng ý trên giá thương lượng này đi. Có dịp nào vào Nam, chúng tôi lại tận tình giúp đỡ các anh trở lại.

Trưởng phòng cười đểu cán, nói nhỏ:

– Tôi biết rõ các anh không phải là cán bộ. Các anh dùng giấy tờ giả bịp chúng tôi mua máy rẻ bán lại cho bọn vượt biên. Việc này lộ ra thì các anh bị nhiều tội nặng lắm. Chúng tôi đã không làm khó dễ gì các anh, thì các anh cũng thông cảm mà trả giá phải chăng. Tôi cam đoan sẽ làm giấy tờ mau chóng.

Tám và Năm đều thấy ớn lạnh đến xương sống. Họ đã gặp phải một tên cáo già thư lại cộng sản. Ông ta hiểu hết các mánh khoé và thủ đoạn của bọn làm ăn phi pháp. Năm rút thẻ đảng viên đặt trên bàn, nghiêm trang nói:

– Xin đồng chí ăn nói cẩn thận. Chúng tôi chiến đấu gian khổ 30 năm nay để được một đảng viên đánh giá như vậy sao? Xin đồng chí xem lại thẻ đảng viên của chúng tôi. Ðồng chí bí thư tỉnh Khánh Hòa biết rõ chúng tôi vì đã công tác với nhau một thời gian. Con trai ông ta hiện nay làm trưởng ty hải sản tỉnh Kiên Giang và là bạn thân của chúng tôi. Chúng tôi chắc phải làm rõ việc này mới được.

Trưởng phòng tưởng dọa được họ để ép giá. Ai ngờ gặp của thật mà lại quen biết với cấp trên của mình. Ông ta ngại công việc đổ bể thì bao nhiêu công lao xây đắp lâu nay không còn xử dụng được, nên thấy rét. Tuy thế, ông ta cũng bình tĩnh chống đỡ:

– Xin lỗi các đồng chí, chúng tôi đã gặp nhiều người mạo danh cán bộ, và đã lột được mặt nạ của họ. Kẻ địch khôn ngoan dùng trăm phương ngàn kế để gạt, nên chúng tôi đề cao cảnh giác. Nếu có gì xúc phạm, xin các đồng chí bỏ qua cho. Nay biết rõ chúng ta đều là người một nhà thì việc thương lượng dễ dàng hơn.

Thấy Năm tố một cú mà được, Tám thừa thắng xông lên bồi thêm một búa nữa:

– Chúng tôi vừa đi tham quan các hợp tác xã nông nghiệp trong tỉnh để học hỏi kinh nghiệm. Ðồng chí Ba Dinh, chủ nhiệm hợp tác xã Ðồng Cam là bạn thân với chúng tôi. Ông ta cho biết là đã làm đơn xin ty công nghiệp tỉnh cấp cho 4 máy dầu cặn đang để ở đây để kịp thời chống hạn, nhờ thế chúng tôi mới biết mà đến. Theo tôi nghĩ, nếu bán kịp thời thì các anh được nhờ. Nếu chậm thì mất. Bao nhiêu hợp tác xã đang dòm ngó 4 máy này. Chúng tôi lại bận, không có thì giờ ở đây lâu. Hiếm khi các anh gặp cơ hội tốt vì chúng tôi đương cần máy và được đảng ủy hổ trợ hết mình. Các tay buôn tư nhân ham lợi thì trả chứ họ không dám mua vì chở máy thế nào cũng bị bắt.

Nghe Tám phân tích rõ ràng, trưởng phòng cũng sợ mất cơ hội tốt. Nhưng lỳ lợm vẫn là tật cố hữu của bọn cộng sản. Họ vẫn chủ trương kiên trì làm tới bất chấp mọi lẽ phải và cuối cùng cũng đạt được kết quả. Một kết quả thật bi thảm, nhưng phần thắng về họ. Ðể phá vỡ bế tắt, Năm đề nghị:

– Bây giờ chúng tôi về để các anh có thì giờ tính lại. Tối nay chúng tôi có thể đến nhà anh để thương lượng tiếp được không? Nếu không xong sáng mai chúng tôi về sớm.

Trưởng phòng đứng dậy bắt tay và nói:

– Vâng, chúng tôi sẵn sàng chờ đợi các anh.

Tối đó, Tám và Năm đưa ra công thức mới. Tám bảo:

– Khi chiều, mọi người biết chúng tôi nhất quyết không trả giá cao hơn. Họ cũng biết đây là cơ hội tốt không thể bỏ qua. Như thế anh dễ dàng hành động mà không bị chê trách. Chúng tôi đồng ý giá mới là 170.000 đồng và biếu riêng anh 30.000 đồng gọi là đền đáp phần nào công khó của anh.

Thấy số tiền biếu riêng vừa đáp ứng đúng với nguyện vọng của mình, trưởng phòng vui vẻ nhận lời. Tư lợi đã làm cho ông ta mờ mắt.

Tám và Năm đón xe lam theo quốc lộ I ra khỏi Tuy Hòa 5 km về phía bắc, đón các xe molotova quân đội nhờ chở máy. Bao nhiêu xe G.M.C. dầu cặn của Mỹ bỏ lại được tháo ra, gói kỹ, gởi cho Nga gọi là trả nợ. Nga dùng chiến lợi phẩm này để nghiên cứu, xử dụng và lấy phụ tùng. Xe Molotova của Nga viện trợ cho Việt cộng đều chạy xăng và là đồ phế thải của thời đệ nhị thế chiến. Chính phủ xính vính vì phải dùng một số tiền viện trợ lớn để mua xăng. Trong khi đó thì bao nhiêu chiến lợi phẩm tốt và tiện dụng của Mỹ bỏ lại phải cung hiến cho đàn anh vĩ đại. Chế độ nào thì bọn đàn em ăn bám và yếu đuối cũng chịu thiệt thòi, dầu đó là chế độ “quốc tế vô sản” đi nữa. Ở Hànội, một phuy xăng 200 lít giá 600 đồng vì xăng bị ăn cắp nhiều mà ít người mua. Ở Sàigòn một phuy xăng giá 6000 đồng vì khan hiếm. Tài xế thông đồng với thủ trưởng để được cấp xăng khứ hồi nên có cớ mang xăng vào Sàigòn bán chợ đen. Tài xế là giới kiếm được nhiều tiền nên con cháu các đảng viên cao cấp theo ngành này. Họ lanh lẹ, tháo vát, có gốc lớn để dựa, nên công an và thuế vụ cũng ngán. May mắn, Tám và Năm đón được một đoàn xe bộ đội có giấy ưu tiên chở sắt cho nhà máy Vikimco. Sau khi cho biết rõ nội dung của món hàng, Tám và Năm yêu cầu trưởng toán phát họa một chương trình hành động để qua mặt các trạm công an kiểm soát dọc đường. Trưởng toán nói ngay không do dự:

– Chúng tôi cam đoan sẽ đưa hàng đến Sàigòn an toàn. Nếu có gì xảy ra, chúng tôi không lấy một đồng xu tiền chuyên chở, lại mất cho các anh số tiền xăng bán được. Nghề chở hàng lậu là nghề của chúng tôi. Chúng tôi không cần thắc mắc các anh là ai, món hàng quan trọng như thế nào. Thuận giá thì chúng tôi bảo đảm an toàn tối đa. Việc qua mặt công an thì dễ dàng quá. Các anh cứ làm thinh theo dõi để thấy chúng tôi hành động tài tình như thế nào.

Tuy được họ bảo đảm chắc nịch, Tám và Năm cũng chưa yên tâm, Tám hỏi lại:

– Giả sử mọi mưu tính của các anh thất bại thì giải pháp cuối cùng phải như thế nào để bảo toàn món hàng các anh nhận chở.

Trưởng toán chỉ vào súng A.K. dựng trong cabine bảo:

– Chúng tôi dùng đến nó khi cần. Xin các anh yên tâm. Chúng tôi hứa được thì làm được.

Tiền chuyên chở thỏa thuận là 50.000, bằng lương của một công nhân trong 9 năm trời.

Sáu người tài xế chính và phụ đã ăn hết 3 kg thịt heo quay và hai con gà luộc và uống hết hai lít rượu trắng trong buổi cơm chiều. Ðó là bữa cơm thường của giai cấp lãnh đạo mới. Ăn xong, họ treo võng dưới lườn xe ngủ. Ðến 11 giờ đêm, họ trở dậy, đem xe vào garage và nhanh nhẹn đẩy 7 chiếc máy lên một xe. Hai xe còn lại chở 12 phuy xăng. Qua các trạm kiểm soát nhỏ dọc đường họ không dừng lại vì có lệnh ưu tiên. Hai xe chở xăng chạy trước đậu lại ở trạm Suốidầu. Công an xét qua loa và cho xe chạy. Xe thứ ba chở máy chạy qua vẫy tay với tài xế hai xe trước và định đậu lại thì công an vẫy tay cho chạy luôn. Tám và Năm thích thú khi thấy bọn tài xế dàn cảnh nhịp nhàng, ăn khớp với nhau qua mặt công an dễ dàng. Ðến Cam Ranh họ dừng xe lại ăn tối. Chừng 11 giờ đêm, đường sá vắng tanh, họ cho xe chạy qua trạm Dulong. Ðây là trạm cuối cùng của tỉnh Khánh Hoànên việc kiểm soát gắt gao. Họ phối hợp hành động giống như lần trước, nhưng lần này công an không vẫy tay cho phép. Tài xế biết ý cho xe chạy luôn. Hai công an lấy xe honda đuổi theo. Chạy được khoảng 6 km, xe công an đuổi kịp. Tài xế dừng lại. Theo sự sắp đặt từ trước, tài xế chính và Năm xuống xe trình giấy. Công an cự nự:

– Sao các đồng chí không tuân hành lịnh lưu thông?

– Chúng tôi thấy các đồng chí vẫy tay cho phép mà.

– Thế tại sao khi chúng tôi đuổi theo, bắn súng ra lệnh dừng lại mà các đồng chí vẫn không tuân?

– Chúng tôi đâu có nghe thấy gì. Nếu nghe chúng tôi đã dừng lại rồi.

Công an thu giấy bỏ vào túi và ra lệnh:

– Hai đồng chí cho xe trở lại trạm để chúng tôi kiểm soát rồi mới được đi.

Anh ta vừa nói xong thì tài xế phụ bất ngờ đưa súng AK bắt mọi người đưa tay lên. Lanh lẹ, tài xế chính tước vũ khí của công an, tháo hết đạn, lấy lại hết giấy tờ, mở bugi xe honda bỏ vào túi. Xong họ lên xe chạy tiếp. Hai công an chỉ biết kêu trời, lủi thủi dắt xe honda trở về trạm. Hai chiếc xe chở xăng lại tiếp tục chạy theo sau đó và Tám thấy hai công an đứng bên lề đường giận dữ giơ tay hăm dọa trong khi bọn tài xế chiến thắng vui vẻ cười đùa. Vì các trạm kiểm soát không có điện thoại nên việc liên lạc với chính quyền tỉnh rất khó khăn khi gặp trường hợp khẩn cấp như vừa rồi. Do đó họ đành chịu thua bọn tài xế quân đội chuyên buôn lậu. Mọi nỗ lực của công an dồn vào việc rình mò, hà hiếp dân cô thế. Còn đối với bọn buôn lậu đảng viên, họ không có đủ khả năng ngăn chận. Cũng có vài trường hợp vì tận tâm với bổn phận, công an cũng bắt được các đường dây buôn lậu nhưng lại gặp phải các thế lực lớn. Họ đã không được thưởng mà còn bị khiển trách và đổi đi làm các nhiệm vụ khác nguy hiểm hơn và ít tư lợi, nên dần dà công an học được bài học thực tiển là không hành động quá trớn khi người buôn lậu có những cử chỉ ngang nhiên.

Xe chạy qua vùng Long Hương hoang vắng đầy cây dại và cát trắng. TrờI nắng chang chang tưởng như không có sinh vật nào sống được trong cảnh khắt nghiệt của thiên nhiên này. Thình lình một cô gái đẹp, quần áo tươm tất từ bụi rậm bước ra đường dơ tay chận xe lại. 3 xe từ từ đậu sát lề đường. Tám và Năm lấy làm lạ. Xe đã chạy qua các làng mạc đông đúc, cũng có nhiều người muốn đón quá giang nhưng xe không ngừng. Tại sao xe lại dừng ở chốn hoang vu này để đón một thôn nữ trẻ đẹp? Bọn tài xế có âm mưu gì để lường gạt? Thiếu nữ trẻ đẹp lại dám đứng một mình trong chốn hoang vu này mà không sợ những bất trắc xảy ra sao? Ba tài xế chính bước xuống, tươi cười với khách đón xe. Hình như họ đã quen nhau từ lâu. Một người nói:

– Mạnh khỏe, em Ba? Lâu nay chúng tôi nhớ em lắm.

Thiếu nữ liến thoắng:

– Chèn đét ơi! Anh Hai mà tưởng ai! Cả tháng mới gặp lại các anh. Ði đâu mà lâu quá vậy?

Ba người tài xế theo thiếu nữ vào bụi rậm. Các tài xế phụ còn lại mở nắp capot để xem lại máy. Họ làm như xe đang gặp trục trặc. Mười lăm phút sau, ba tài xế từ bụi rậm bước ra, tay gài nút quần, mặt mày tươi rói. Tám và Năm liên tưởng đến cảnh làm tình của lính Mỹ với các thiếu nữ Việt Nam trước đây. Phải chăng các bộ đội miền Bắc đã thay thế lính Mỹ trong dịch vụ này?

Họ đến phía sau xe mở bửng. Một tiếng còi nhỏ rít lên và tự nhiên cả một vùng hoang vắng như sống hẳn dậy. Ðàn bà, đàn ông, thanh niên, thiếu nữ, trẻ con, từ mọi lùm cây chạy xổ ra như bầy ong vỡ tổ. 12 phuy xăng được họ đẩy xuống đường và lăn vào bụi rậm nhanh chóng và 12 phuy trống được bỏ lên xe. Mọi việc xảy ra trong vòng vài phút. Cảnh vật trở lại vẻ hoang vắng như xưa. Tám và Năm không ngờ dưới các lùm cây trong bãi sa mạc này lại có một đội quân buôn lậu thành thạo và đông đúc đến thế! Xăng được bán với giá 5000 đồng một phuy. Tại đây xăng được đổ vào các thùng nhựa 20 lít và phân phối cho các tỉnh miền Ðông. Ðây chỉ là một hoạt cảnh nhỏ trong muôn ngàn khía cạnh khác nhau của đạo quân buôn lậu dưới chế độ cộng sản. Hàng triệu người không sản xuất, núp lén ở những nơi hoang vu, hẻo lánh này để mua lại các vật dụng ăn cắp được của chính phủ và chia nhau đem về các thành phố đông đúc để bán chợ đen. Nhiều đoàn công voa chở gạo từ Sàigòn ra Bắc được dân chúng mua lại bằng cách này. Khi bán xong họ chạy xe không về Bắc. Ðến một địa phương nào đó, họ dàn cảnh là đoàn xe bị cướp. Chính quyền địa phương bị nghi oan. Công an điên đầu vì việc điều tra bị đánh lạc hướng. Cứ như thế dân chúng và chính phủ chơi trò cút bắt, chung qui tiền bạc vào tay một nhóm cán bộ có thế lực. Tám ngạc nhiên hỏi trưởng toán:

– Tại sao các anh không chở xăng vào Sàigòn mà lại bán tại đây cho mất giá?

Trong thâm tâm Tám vẫn sợ bọn tài xế lừa gạt vì họ đã bán hết số xăng của họ mang theo. Nếu số máy bị bắt thì chỉ có Tám và Năm lãnh đủ. Người trưởng toán cầm số tiền bán xăng đưa cho Tám và bảo:

– Anh sợ chúng tôi lừa à? Chúng tôi chỉ muốn lừa bọn công an trạm kiểm soát số 4 một cú thôi. Tôi lấy danh dự ra bảo đảm máy được đưa về Sàigòn bằng yên.

Tám và Năm đành làm thinh để xem bọn tài xế hành động.

Xe dừng lại cách trạm kiểm soát số 4 mười cây số. Tài xế vào một chợ nhà quê mua 10 con gà và 10 kg thịt heo để dành vào Sàigòn ăn, vì thịt ở đây rẻ. Ðiều khôi hài ở xã hội cộng sản là giá cả chênh lệch rất xa giữa nơi sản xuất và tiêu thụ vì chính phủ độc quyền việc buôn bán mà hệ thống phân phối thì quá tồi tệ chỉ toàn lợi dụng và phí phạm. Vì thế nạn chợ đen hoành hành và một số lao động đổ xô đi buôn lậu. Người thực sự sản xuất thì ít, kẻ trung gian thì nhiều, đời sống trở nên cơ cực.

Sau khi ăn nhậu no nê, họ múc nước đổ đầy 12 phuy trống và đổ thêm 5 lít xăng trên mặt. Tất cả đặt trên hai xe. Họ mua củi chất đầy trên xe thứ ba che lấp máy. Với số củi này họ cũng lời được một số tiền lớn khi vào đến Sàigòn. Ðến 11 giờ đêm, họ trở dậy. Mỗi chiếc xe chạy cách nhau mười phút. Tám ngồi ở chiếc xe đầu. Qua trạm số 4, xe chạy luôn mặc dầu công an ra lệnh ngừng lại. Lập tức 4 công an lên hai xe honda đuổi theo. Mười phút sau, chiếc xe thứ hai chạy qua cũng không dừng lại. 4 công an lên hai xe honda đuổi theo. Mười phút sau, chiếc xe chở máy dừng lại. Hai công an còn lại lục soát.

Họ ra lệnh:

– Các đồng chí phải bỏ hết củi xuống để chúng tôi xét xe.

Tài xế chính cãi lại:

– Các đồng chí muốn xét thì bỏ xuống. Chúng tôi không đủ sức làm chuyện ấy.

Hai công an thấy chiếc xe đầy ắp củi nên cũng ngán. Họ làm khó dễ:

– Các đồng chí phải đóng thuế củi.

– Các đồng chí phải thông cảm khó khăn của chúng tôi. Chúng tôi chỉ chở chừng ấy củi để kiếm thêm ít tiền chi dụng. Nếu các đồng chí thấy cần thì chúng tôi đóng. Dĩ nhiên chúng tôi phải tuân theo luật lệ của chính phủ chớ. Xin các anh nới tay cho.

– Thôi được, chúng tôi thông cảm cho các anh, thì các anh cũng thông cảm cho chúng tôi.

Cuối cùng tài xế đưa cho công an 200 đồng và vui vẻ lên xe chạy. Năm hỏi tài xế:

– Nếu họ nhất định bỏ củi xuống thì làm sao?

– Chúng tôi đã phân tán lực lượng của họ rồi. Chúng tôi biết rõ ràng trạm này chỉ có tối đa mười người. Ðây là trạm cuối cùng của tỉnh Bình Thuận nên việc kiểm soát thật gắt gao. Nhiều xe buôn lậu bị bắt tại trạm này. Họ có 4 chiếc honda để đuổi theo nếu xe không dừng lại. Với chiến thuật vừa áp dụng, chúng tôi biết chắc họ chỉ còn nhiều lắm là hai người ở trạm. Nếu vừa rồi họ làm khó khăn, chúng tôi buộc lòng dùng súng uy hiếp, trói họ lại và lên xe chạy tiếp.

Năm nịnh khéo:

– Tôi phục các anh. Các anh khôn ngoan và gan dạ lắm.

– Ở trong chế độ này phải khôn ngoan và gan dạ mới sống được. Thường ngày chúng tôi luôn tôn trọng luật lệ. Khi có chuyến hàng nào ngon lành, chúng tôi bất chấp mọi thủ đoạn.

Xe chạy một lúc thì gặp 4 công an đang hỳ hục đẩy 6 phuy xăng từ xe thứ hai xuống đất. Trông họ vui mừng la hét như bắt được của trước sự phản kháng vô hiệu của tài xế, Năm thấy vui thích trong lòng. Cuộc đời là một tấm thảm kịch. Chỉ có kẻ nào đóng kịch giỏi mới sống nhởn nhơ. Trong chế độ cộng sản thì tấm thảm kịch này còn bi đát và to lớn hơn nhiều. Người ta bỏ ra bao nhiêu khôn ngoan, tính toán để kiếm được một chút lợi cỏn con mà không đếm xỉa gì đến tương lai của tổ quốc. Mãi lo tịch thu 6 phuy xăng, họ không để ý gì đến chiếc xe đang chạy qua. Một lúc sau, gặp xe thứ nhất, 4 công an đang khó nhọc đẩy 6 phuy xăng xuống đất trước sự ngăn cản của ba người kia. Họ vừa cãi, vừa dành nhau náo động cả một góc trời. Khi xe thứ ba chạy qua, họ mới bằng lòng để cho công an lấy 6 phuy xăng của họ.

Xe chạy qua trạm Ngã Ba Ông Ðồn vào lúc 5 giờ sáng. Trời vừa đổ một cơn mưa lớn. Tưởng công an đang yên giấc trong không khí giá lạnh và ướt át của buổi sáng tinh mơ. Nào ngờ họ vẫn tỉnh táo, kiên nhẫn đùng gát. Xe thứ ba không dừng lại khi công an ra lệnh. Công an bắn một loạt đạn cảnh cáo, nhưng tài xế vẫn cho xe chạy luôn. Khi xe thứ hai chạy qua, công an chận lại và bắt tài xế phải mở hết tốc lực đuổi theo. Trên xe có 4 công an súng ống dữ dằn. Tài xế làm bộ chạy nhanh được một lúc, xe tự nhiên chạy chậm và cuối cùng tắt máy. Tài xế cằn nhằn. Sau một lúc loay hoay sửa chữa, xe vẫn không chạy. 4 công an buồn rầu, lủi thủi vác súng về trạm. Họ đi được một lúc thì tài xế vui vẻ mở máy cho xe chạy theo xe thứ ba.

Ðến 9 giờ sáng họ gặp nhau tại một tiệm phở ở Hố Nnai. Họ vui vẻ kể cho nhau nghe diễn tiến công việc.

Chuyến buôn đó Tám và Năm đã lời được gần 100 lượng vàng. Họ tiếp tục các chuyến buôn sau và đều gặp may.

Chuyến buôn cuối cùng họ quyết định đến Phan Rang, nơi còn nhiều máy dầu lớn vì không ai dám mua. Trước đây Phan Rang vừa gần phi trường Tháp Chàm, một căn cứ lớn của Mỹ, vừa là quê hương của Tổng Thống Thiệu nên dân chúng hưởng được nhiều ơn mưa móc. Dân quê mua nhiều máy dầu cặn nhỏ để bơm nước. Dân biển trang bị các máy dầu lớn để đi đánh cá xa. Việc đánh cá trúng mùa, nên họ giàu nhanh. Các căn nhà gạch khang trang được cất lên thay thế cho các căn nhà lá tồi tàn. Từ ngày cộng sản chiếm quyền, dân chúng gặp nhiều khó khăn quá sức tưởng tượng của họ. Cá sợ cộng sản cũng đi đâu mất. Ðánh cá gần bờ thì không đủ tiền mua dầu. Ðánh cá xa thì không được phép vì chính quyền sợ dân chúng vượt biên. Mọi ghe bị bắt buộc vào hợp tác xã để Ðảng dễ bề kiểm soát. Dân chúng không có thói quen săn sóc của công nên ghe hư hao nhiều. Họ vui mừng lấy cớ ghe hư để bửa ra làm củi chụm. Chưa có chế độ nào mà người dân vui mừng phá hủy tài sản do mồ hôi nước mắt của mình làm nên. Máy được tập trung về hợp tác xã để bán kiếm tiền chia nhau. Không ai dám mua máy dầu lớn vì sợ mất vốn. Vì thế, tuy gần Sàigòn mà máy ở Phan Rang lại rất rẻ. Dân chúng còn thu dấu được một số máy nhỏ, nên các tay buôn máy đổ xô về đây. Lang thang tìm máy dễ bị công an và du kích bắt vì nghi ngờ tổ chức vượt biên. Do đó nảy sinh ra một nghề làm cò mồi. Cò là dân địa phương biết được chỗ dấu máy nên làm trung gian giữa người mua và người bán để kiếm hoa hồng. Lúc đầu mạnh ai nấy làm nên xảy ra nhiều cảnh oái oăm. Ba tay cò khác nhau cùng làm mồi cho ba người mua máy khác nhau, cùng diễn tả hình dạng ba máy khác nhau nhưng chung qui chỉ có một máy mà thôi. Cảnh giành giựt mối lái, chơi xấu, tố cáo nhau với công an làm cho người buôn thiệt hại nhiều. Cuối cùng một tên cò lanh lợi, khôn ngoan, mưu mô, xảo quyệt nhất được mọi người cử làm xếp để điều hòa quyền lợi của nhau. Anh ta tên là Chín Cà. Tuy nói cà lăm nhưng mưu mô, xảo quyệt kinh khủng. Con gái đầu lòng của Cà đẹp nên trưởng công an thị xã mê mệt. Vừa mưu mô, vừa có công an trong tay nên Chín Cà được dân buôn tín nhiệm. Tiền huê hồng là 20%. Dân buôn nào cố tình qua mặt Chín Cà thì bị công an tịch thu máy ngay. Sở dĩ Năm và Tám chọn Phan Rang trong chuyến buôn miền Trung cuối cùng vì muốn thử lại hiệu năng của các tin tức tình báo mà các tổ chức địa phương cung cấp có chính xác không? Thêm vào đó chỉ cần làm giấy tờ giả cho phép chở máy vào Bìnhtuy thì qua mặt trạm số 4 dễ dàng vì đây là việc điều động máy trong nội bộ tỉnh.

Khi gặp Chín Cà, cảm tưởng chung của họ là bất trắc. Chín Cà có tướng phản phúc, vì thế họ luôn phòng bị và tỉnh thức. Sau ba ngày len lỏi mọi nơi họ chọn được 6 máy tốt và thỏa thuận giá cả. Máy được tập trung về một nơi. Các hợp tác xã lo liệu giấy tờ mua bán. Ðiều thỏa thuận là chỉ giao 2 phần ba số tiền khi nhận máy. Một phần ba còn lại và tiền hoa hồng sẽ giao cho Chín Cà khi máy đã được bỏ lên xe rời thị xã. Đêm hôm trước ngày chở máy, họ được tin tình báo cho biết Chín Cà đã dự tính với công an thị xã gạt họ lấy máy trên đường về, tại một địa điểm đã định. Họ phác họa một chương trình hành động. Họ làm ngay một văn thư giả của ty hải sản Bình Thuận cho phép chở máy vào Bình Tuy và nhờ một nhân viên thân tín trong phòng hải sản đảm nhận việc chuyên chở. Họ hỏi kỹ giờ giấc của các chuyến xe chở hành khách từ Phan Rang xuống biển. Tiền được giao cho người thân tín đem xuống điểm tập trung từ sáng sớm. Năm và Tám gặp Chín Cà và hai cò mồi tại bến xe. Họ vui mừng khi thấy ba người không phải là công an. Còn gì thú vị bằng trong một cuộc đấu trí mà đối phương quá chủ quan, khinh thường kẻ địch đến thế!

Khi xe chạy qua điểm phục kích của công an, họ phải khen thầm việc tổ chức thật chu đáo. Trên đường về, bất thình lình họ rút súng, uy hiếp, trói và nhét giẻ vào mồm ba tên cò mồi, trước sự kinh ngạc tột cùng của đối phương vì không ai ngờ đến hành động liều lĩnh của họ. Họ buộc tài xế ngừng xe và dẫn ba người bị trói dấu vào bụi rậm gần đường và trói chân chúng lại. Họ đón xe chở hành khách từ biển về Phan Rang. Sau khi thỏa thuận tiền chở máy, tài xế yêu cầu hành khách xuống xe. Máy được chuyển sang và hành khách lại lên xe trở lại. Tài xế xe mướn trước phải bỏ xe lại và theo họ đến địa điểm khác nhận tiền. Khi xe chạy qua điểm phục kích, công an thấy không phải chiếc xe cần chận, nên cho chạy tiếp. Ðến thị xã, hành khách xuống xe và tài xế tiếp tục chạy vào Bình Tuy. Cách Phan Rang 20 km, Tám và Năm trả tiền cho tài xế xe mướn trước và xin lỗi về việc đáng tiếc xảy ra. Sau đó họ đón cán bộ phòng hải sản lên xe. Ðến trạm kiểm soát số 4, công an vui mừng khi thấy xe chở 6 máy dầu lớn. Khi cán bộ hải sản trình đủ giấy tờ chứng minh máy được chở từ Phan Rang vào Bình Tuy do lệnh của ty hải sản Bình Thuận thì công an hết vui. Ðây là một vụ di chuyển máy móc trong tỉnh do nhu cầu công vụ nên họ không làm khó dễ được. Khỏi trạm kiểm soát số 4 khoảng 20 km, tài xế dừng xe lại. Tám và Năm đón một xe vận tải từ Ðà Nẳng nhờ chở máy vào Sàigòn. Tài xế được trả một số tiền lớn nên vui vẻ nhận lời. Họ bắt buộc phải dùng xe vận tải vì không đón được xe molotova của bộ đội và sợ công an đuổi theo. Họ biết khó lòng qua mặt được trạm kiểm soát Ngã Ba Ông Ðồn, nhưng phải liều vì không có cách gì khác hơn.

Khi tài xế trở về chỗ công an phục kích cho hay tự sự, họ hấp tấp đón xe trở lại điểm dấu xe ban sáng thì trời đã về chiều. Trưởng phòng công an sợ mất điểm với bố vợ nên lật đật chạy vào bụi rậm cởi trói và rút giẻ trong miệng ba người. Họ bị bỏ gần một ổ kiến lửa nên khổ sở gần chết. Lúc đầu chưa quen nên họ lăn lộn để tránh. Càng lăn lộn càng làm cho kiến nổi giận cắn nhiều hơn. Cuối cùng họ gắng chịu nằm yên mặc cho kiến bò khắp người, nhột, ngứa khủng khiếp, nhưng đỡ bị cắn thêm. Vài con kiến quái ác chui vào lỗ tai làm họ đau quá muốn ngất đi mà đành chịu. Khi được giải thoát Chín Cà tức lộn ruột, giận dữ quát tháo:

– Ð.Ð.Ð… M. Tụi bay làm việc như con c… Thiên hạ nghe được cười cho thúi óc.

Bọn công an biết lỗi nên nín thinh. Ba người nhanh nhẹn cởi hết quần áo dủ sạch kiến và gãi bằng thích. Nhìn thân thể họ đầy các vết sưng đỏ mọi người mới thấm thía được sự khốc liệt của cực hình mà họ phải chịu. Trưởng công an lấy xe đuổi theo với hy vọng bắt gặp. Ðến trạm số 4, anh ta trình bày mọi việc. Bọn công an lại một phen nữa tức lộn ruột vì bị lừa. Chín Cà bị đàn em chửi cho một trận vì mất tiền huê hồng, bị bọn buôn máy tẩy chay vì lưu manh, nên giải nghệ. Ông ta đâm ra giận lây trưởng công an làm cho anh này không dám đến nhà, mặc dầu vẫn say mê người đẹp.

Tới trạm kiểm soát Ngã Ba Ông Ðồn, công an vui mừng khi thấy đống máy nằm trên xe. Tám trình đủ giấy tờ chứng tỏ họ là các cán bộ của nông hội Hậu Giang đi mua máy cho đồng bào chống hạn, tăng gia sản xuất. Công an không tin. Tám và Năm dở hết mánh lới thuyết phục nhưng không ai nghe. Số máy quá nhiều lại gần Sàigòn nên bán cho bọn vượt biên dễ dàng để kiếm một số tiền lớn nên công an nhất định tịch thu để chờ tỉnh ủy Hậu Giang can thiệp. Họ mong muốn cho Tám và Năm ngỏ ý định hối lộ để có đủ chứng cớ cho thấy họ không phải là cán bộ thực thụ. Tám và Năm biết rõ điều đó hơn ai hết nên nhất quyết đưa ra mọi chứng cớ để đòi máy, nhưng bọn công an cũng cứng đầu không kém. Túng thế, Năm phải đành đánh nước liều. Năm bảo:

– Chúng tôi đồng ý để các đồng chí tịch thu. Xin các đồng chí làm cho chúng tôi một giấy biên nhận hàng đầy đủ. Nếu sau này thiếu một chi tiết nhỏ nhặt nào các đồng chí phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Công an tưởng hăm dọa được họ để lấy máy bán chia nhau. Bây giờ phải ký giấy chịu trách nhiệm thì ai cũng sợ. Hậu Giang là tỉnh giàu lúa gạo nên được lòng trung ương. Nếu quả thật máy thuộc tỉnh ủy Hậu Giang thì họ đã không được xơ múi gì mà còn mất công giữ máy. Rủi có đứa nào ăn cắp vài chi tiết đem bán thì lãnh đủ. Trưởng toán nhìn kỹ Tám và Năm để tìm sự thật. Họ cư xử, ăn nói như các đảng viên chính cống thì nghi ngờ vào đâu được? Thật là một bài toán nan giải mà dẫu bác Hồ sống dậy cũng khó lòng giúp họ được. Của đến tận họng mà nuốt cũng khó khăn. Ðã lỡ làm găng, không lẽ thối lui mất thể diện, nên họ đồng ý với nhau đẩy trách nhiệm cho trưởng phòng công an thị xã Long Khánh. Trưởng đồn bảo Tám:

– Ở đây chúng tôi không có chỗ giữ máy cho các đồng chí. Vậy chúng tôi cho người hộ tống đưa máy về phòng công an thị xã để nơi đây quyết định.

Trong đầu Tám và Năm liền nảy ra một kế hoạch chớp nhoáng. Tám tỉnh bơ bảo:

– Các đồng chí quyết định thế nào cũng được, nhưng phải làm nhanh chóng vì chúng tôi không có thì giờ chờ đợi.

Trên đường, Tám rút súng uy hiếp công an hộ tống và tước khí giới. Công an há hốc mồm kinh ngạc không ngờ một đảng viên lại hành động liều lĩnh đến thế! Tám ra lệnh cho tài xế đậu xe bên đường và bảo:

– Chúng tôi là dân chiến đấu nên không thích cách làm việc chậm chạp của các đồng chí. Chờ cho tỉnh ủy can thiệp lấy được thì máy đã rỉ sét rồi. Vì quyền lợi của nhân dân, tôi phải hành động. Ðồng chí chỉ có hai cách để lựa chọn. Một là đồng chí nhận 500 đồng tiền thưởng và ở lại đây cho đến ngày mai trở về đồn báo cáo thế nào cho khỏi tội. Hai là chúng tôi thủ tiêu đồng chí ở đây để cho công tác của chúng tôi không bị trở ngại.

Công an đành chấp nhận giải pháp đầu. Năm và công an xuống xe vào trong rừng ngủ lại một đêm và sáng mai chia tay, ai về nhà nấy.

Tài xế lấy làm lạ hỏi Tám:

– Các ông là cán bộ sao đối xử với nhau như kẻ thù vậy?

Tám vui vẻ trả lời:

– Trong giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội chúng tôi phải xử dụng bạo lực cách mạng đối với kẻ phá hoại công cuộc xây dựng chung. Công an chỉ căn cứ trên các luật lệ cứng nhắc để làm khó dễ thì chúng tôi không thể tha thứ cho họ được.

Tài xế gật gù tỏ vẻ thông cảm nhưng thực ra ông ta không hiểu gì hết về các khía cạnh phức tạp của chế độ cộng sản. Chuyến buôn đó hai người đã lời được 82 lượng vàng.

Mục đích các chuyến buôn của họ là làm suy yếu tiềm năng cơ khí của nhà nước cộng sản địa phương và thực tập các kinh nghiệm sống ngang nhiên trong lòng địch với chiêu thức “gậy ông đập lưng ông” của phái Mộ Dung Cô Tô khi xưa. Tiền lời được dùng để tài trợ cho các tổ chức chống đối bất bạo động và giúp các thân nhân cải tạo viên có phương tiện thăm nuôi chồng, con để đủ sức sống chờ ngày đổi đời. Họ tin đó là một an ủi lớn đối với các bạn bè kém may mắn. Họ cũng giúp cho các đồng bào muốn rời khỏi địa ngục cộng sản có máy móc tốt để vượt biên. Họ là các chiến sĩ vô danh. Trong quá khứ, họ đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng cho quê hương và trong hiện tại họ đấu tranh trực diện với địch, ngay trong lòng địch trên địa hạt kinh tế, một địa hạt quyết định sự sống còn của một chế độ. Họ không khoa trương, không rêu rao, âm thầm chiến đấu và âm thầm nằm xuống cho tổ quốc thân yêu và đồng bào ruột thịt. Họ có đủ khôn ngoan và phương tiện để ra đi, nhưng họ quyết tâm ở lại để chứng kiến và chia xẻ cảnh lầm than của nhân dân và chỉ cho những người anh em con đường phải đi để sống còn.

Hoà Mỹ
Montreal-Canada

This entry was posted in 2-Tập truyện BỐ KHỈ, Truyện ngắn. Bookmark the permalink.

Leave a comment