NHỮNG NGƯỜI ĐÀN BÀ VÙNG ĐỒNG THÁP TÂN CHÂU

Huy đang ăn trưa trong một quán gần chợ Tân Châu, thì có người vỗ vai:

– Sao lâu nay không thấy anh đến lấy hàng? Có nhiều món rẻ và tốt lắm. Nếu đem được về Sàigòn thì lời to.

Huy nhận ra người bạn tên Tư Sự đã giúp chàng lấy hàng vừa rẻ vừa an toàn trong những chuyến buôn trước. Huy bảo:

– Tám tháng nay tôi có công việc làm khác kiếm khá tiền nên không đi buôn. Nay hết việc thì trở lại nghề cũ vậy. Lâu nay anh làm ăn thế nào?

Sự buồn rầu bảo:

– Vợ tôi sau khi sinh thì bị một chứng bệnh nan y không nhà thương hay thầy thuốc nào chữa khỏi thành bao nhiêu tiền kiếm được không đủ trả nợ. Sao số tui nó xui tận mạng như thế?

Thấy bạn gặp nạn, Huy sốt sắng:

– Anh đưa tôi về nhà thăm bệnh cho chị đi, tôi cũng biết đôi chút về thuốc. Biết đâu phước chủ may thầy thì sao?

Sự hân hoan:

– Nếu anh giúp được thì quí quá. Vợ thì nằm liệt giường, con cái nheo nhóc, tiền của sạch trơn. Nếu lành bệnh thì không biết lấy gì mà trả công cho anh.

Huy trấn an bạn:

– Chỉ gặp nhau chục lần, nhưng tôi thích sự chân thật và sòng phẳng của anh. Anh em giúp nhau là chuyện thường. Nếu chị lành được bệnh là tôi đã có phước rồi. Trời sẽ trả công cho tôi. Anh đừng ngại.

Khi chẩn mạch cho vợ Sự và nghe hết bệnh sử, Huy biết bà ta đã bị nhiểm trùng sau khi sanh và suy thận cấp tính. Vì gặp bác sĩ, y tá dõm lại cho uống thuốc bậy bạ làm cho thận dương và tỳ dương quá hư không vận hóa được thủy thấp làm cho trọc âm nghịch lên, nên bệnh trở thành kinh niên và đến thời kỳ nguy hiểm vì nước ứ lại trong người quá nhiều làm suy luôn tim và phù não do urée trong máu cao. Bệnh nhân chỉ còn hoi hóp thở chờ chết.

Huy lấy kim châm và cứu vào các huyệt quang nguyên, khí hải, tỳ du, túc tam lý, tam âm giao, thủy phân, thủy đạo v.v… Bệnh nhân đi tiểu được nhiều và tỉnh táo trở lại. Năm ngày sau thì bệnh nhân hoàn toàn khỏe hẳn. Huy cũng biết bệnh sẽ trở lại vì bệnh nhân khó kiêng ăn muối và thể chất còn yếu. Việc bắt buộc bệnh nhân không ăn muối một thời gian dài không thể thực hiện được. Nên sau khi bệnh nhân đã uống hai chục thang chân vũ, để làm cho thận dương và tỳ dương mạnh lên, chàng ghé lại chữa một lần chót. Dĩ độc trị độc và theo nguyên lý cực dương sẽ biến thành âm, chàng cho bệnh nhân uống thật nhiều nước muối trong năm ngày liền. Bệnh nhân bị ứ nước, bí tiểu và mê man trở lại. Cả nhà hoảng hốt khóc như ri. Một giờ sau, chàng châm và kích thích mạnh lên hai huyệt thủy đạo. Nửa giờ sau, nạn nhân đi tiểu liên miên và sáng ngày hôm sau khỏe lại như thường và có thể ăn uống mà không cần kiêng cử muối. Hai tháng sau, Huy ghé nhà thăm thì Sự cho biết vợ khỏe mạnh hoàn toàn và cả gia đình không biết lấy gì đền ơn Huy cho xứng.

Huy đề nghị:

– Có đi có lại mới toại lòng nhau. Tôi không mong anh đền ơn khi chữa bệnh cho chị. Nhưng hiện nay anh đang có một vật chưa xử dụng đến mà tôi thì rất cần. Nếu tiện anh cho tôi mượn một thời gian và định giá. Tôi sẽ xin hoàn trả đủ số tiền mà anh đòi trong vòng năm tháng.

Sự đau khổ :

– Anh cũng biết, khi vợ đau, tôi đã bán gần hết gia nghiệp, đâu còn cái gì quí giá xứng đáng với công lao của anh đâu?

Huy chỉ chiếc ghe đậu trước mặt nhà và nói:

– Tôi cần nó làm vài chuyến buôn thì đủ tiền trả anh. Anh đừng thắc mắc tôi phải làm như thế nào để khỏi bị công an và quan thuế bắt, đã mất hết vốn mà không giữ được chiếc ghe cho anh. Tôi cam đoan với anh mọi sự sẽ tốt đẹp.

Sự nhăn nhó:

– Đâu phải ghe của tôi. Đó là ghe của ông già vợ. Trước đây chúng tôi cần nó chở lúa và mía. Nay mọi sự đều do nhà nước quản lý, nên không cần tới nữa. Nhưng xin anh cho tôi bàn với ông già vợ.

Khi nghe Sự trình bày, ông già do dự vì sợ mất. Nhưng bà già vợ bảo:

– Con gái mình chết đi sống lại là nhờ ai? Sao ông không thực hành được lời dạy của đức Thầy về đạo làm người? Ghe này đâu cần dùng đến nữa. Để đây, khi nào xã hay huyện cần thì trưng dụng, làm hư, mình chỉ biết làm thinh chứ dám nói câu nào. Chi bằng mình cho cậu Huy. Nếu làm ăn khấm khá, chắc cậu không quên ơn mình đâu.

Huy mừng rơn:

– Thưa hai bác. Con không dám xin. Hai bác cứ định giá. Con nhất quyết trả xong trong vòng năm tháng. Hai bác có một ít tiền dành lúc tuổi già.

Người con gái cũng nói thêm vào:

– Mạng con đã được anh Huy cứu sống. Nếu có gì xảy ra con xin hứa với cha mẹ là sẽ kiếm tiền để trả hết.

Thấy vợ và con gái đồng tình, ông già không đường từ chối, nên gật đầu. Thế mới biết cái mạnh của người đàn bà trong gia đình. Đó là cái âm điều khiển cái dương vậy.

Huy mang ghe về bến Hàm Tử, đưa lên ụ nhờ gắn thêm một đà dọc dưới đáy ghe có khoang ba lỗ, rồi bọc nhôm bên ngoài ghe để tránh bị hà ăn. Huy đến một tiệm thiếc nhờ làm hai máng bằng nhôm có kích thước và hình dạng nghiên cứu kỹ để khi gắn vào hai bên đà gỗ nhờ bù lon xỏ qua lỗ khoan sẵn thì không cản sức chạy của ghe. Thêm vào đó, nếu ghe có bị kéo lên bờ hay có người lặn xuống nước quan sát thì không thể phân biệt được đó là một phần có thể tách rời ra khỏi ghe. Huy vào đường 40 mua 60 thùng đạn đại liên còn tốt nghĩa là rất kín nước. Khi mọi việc đã làm xong, một đêm tối trời, hai cha con Huy đưa ghe ra một chỗ vắng, lặn xuống nước đẩy các thùng đại liên đựng đầy càphê bọc trong bao nylông thật kín vào hai máng nhôm và khóa chặt vào đấy nhờ một hệ thống cơ khí tinh vi đã thiết kế từ trước. Thời gian đó càphê chỉ dùng để xuất cảng nên thuộc loại quốc cấm. Cao Miên lại rất cần càphê, nên giá rất cao, có thể một lời mười. Không ai dám buôn vì sợ bị bắt. Ghe chở phụ tùng xe đạp, đồ nhựa, đồ nhôm do Chợlớn sản xuất cho các hợp tác xã tiêu thụ Tân Châu với tất cả giấy tờ giả mà như thật. Tư Sự đón ghe tại Tân Châu đem bán hết hàng hóa chở theo vào chợ đen và hẹn giờ và địa điểm trao đổi vải, thuốc lá Samít và nhiều hàng ngoại nhập khác qua ngã Thái Lan với càphê đã đem từ Sàigòn xuống và trả số tiền chênh lệch. Sau đó các loại đồ lậu đã được cha con Huy dấu kỹ vào chỗ cũ mà không ai ngờ được vì ra ngoài dự tính của mọi người. Phần đông chỉ dùng những mưu vặt nên dễ bị công an và thuế vụ khám phá ra. Bận về ghe chở mật mía cho các hợp tác xã sản xuất rượu thuộc quận Năm với đầy đủ giấy tờ hợp lệ và thật. Nhưng thực tế số mật kia cũng được bán chợ đen. Với tám chuyến buôn thông suốt trong vòng hai tháng, Huy đã trả được nợ chiếc ghe mà còn cho Tư Sự cơ hội làm ăn kiếm được tiền. Tư Sự biết mình mang ơn Huy nhiều, ăn tiêu dè xẻn, kín đáo và khôn ngoan chứ không phổi bò như mấy ông Nam kỳ khác nên không ai nghi ngờ gì cả.

Một hôm Huy đậu ghe trên kinh Đồng Tiến ngủ đêm. Vì sợ nước ròng làm ghe bị mắc cạn và lòi cái bí mật ra ngoài, nên Huy đậu ghe xa bờ nhờ nêu lái và mũi. Không ngờ đêm ấy mưa tầm tã, cha con Huy lại ngủ say, nước trong kinh chảy xiết, nêu mũi không bám vào đất được, nên ghe trôi theo dòng. Cha con Huy hoảng hồn thức dậy khi nghe nhiều tiếng súng nổ trên bờ. Nhìn ra thấy ghe sắp tấp vào hàng đáy của dân. Huy vội vàng cho nổ máy để chạy ngược dòng nước. Nhưng đã muộn. Đít ghe chạm vào làm ngã một cột đáy. Khi ghe nổ máy và vượt lên được thì đám du kích buộc ghe phải ghé vào bờ. Trước họng súng đe dọa của bọn du kích, Huy đành phải nhượng bộ. Huy bị dẫn về trụ sở khu 3. Tưởng phen này sẽ kiếm được một số tiền lớn, hầu hết các giới chức trong khu ba đều có mặt, trừ bà bí thư kiêm chủ tịch. Đám đàn ông hùng hổ kết tội Huy đã làm rách lưới và hư hoại hàng đáy của nông hội, nên phải bồi thường xứng đáng. Huy bình tĩnh đưa thẻ đảng viên ra và nhã nhặn phần trần:

– Khi tôi đi đánh Pháp thì các đồng chí còn chưa sinh. Tôi đã gian khổ từ Nam tập kết ra Bắc, rồi trở về Nam kháng chiến chống Mỹ. Cả cuộc đời của tôi hầu như hy sinh cho Đảng. Đến nay, tôi xung phong phục viên để nhường chỗ cho các đảng viên trẻ vì biết sức mình không còn đủ sáng suốt và bén nhạy trên công việc. Tôi mướn chiếc ghe này và chở những vật dụng cần thiết cho các hợp tác xã Tân Châu. Đây là tất cả giấy tờ do địa phương cấp. Vừa rồi vì sơ ý tôi có làm ngã một cọc đáy, nhưng lưới thì chẳng hư hao gì. Tôi xin nhận lỗi. Mong các đồng chí nể tình một người đã suốt đời tận tâm cho Đảng mà xí xóa. Đó là các đồng chí đã nâng đỡ tinh thần cho tôi vậy.

Trước thái độ biết điều, nhã nhặn của Huy, vài người thông cảm và định cho qua, nhưng số đông vẫn chưa có quyết định dứt khoát. Không ngờ bà chủ tịch xấn xổ đi vào. Khi nghe hết mọi chuyện, bà hét lên:

– Các đồng chí làm việc như vậy à? Giải quyết theo tình cảm cá nhân! Bác Hồ đã dạy: “Không dùng tình cảm để giải quyết việc công”. Đồng chí này có công trạng bao nhiêu đi nữa mà làm thiệt hại đến của công thì phải đền. Nêu ghe đồng chí ấy lại. Sáng mai, kéo đáy lên, nếu có thiệt hại thì phải đền.

Cả chục người đàn ông im thin thít không dám hó hé gì. Huy không ngờ người đàn bà lại có cái uy đến thế! Chàng chỉ sợ, ngày mai mụ ta lại lôi thôi đòi kéo luôn ghe lên bờ giữa ban ngày thì khó lòng dấu được sự thật. Bằng mọi giá phải giải quyết việc này trong đêm nay. Chàng nhìn người đàn bà chăm chú làm bà ta đâm ngượng. Thấy cái dương của mình lấn áp được cái âm của người đối diện, không bỏ lỡ cơ hội, Huy đề nghị:

– Đồng chí là người điều khiển ở đây thì cần gì phải đợi đến mai. Bây giờ đồng chí cho người theo tôi đến đó, kéo đáy lên. Nếu có hư hao bao nhiêu, tôi sẵn sàng trả.

Người đàn bà nhìn lại chàng chăm chú, rồi ra lệnh:

– Tất cả hãy về nhà ngủ. Việc này để mình tôi lo. Các ông đâu làm được tích sự gì!

Nói xong bà ta không cần bọn đàn ông có đồng ý không, chụp lấy cây súng AK trên bàn mang vào người, ra lệnh cho Huy:

– Được tôi sẽ làm theo lời của đồng chí. Chúng ta hãy đến hàng đáy ngay.

Bọn đàn ông tuân lệnh rũ nhau ra về. Trên đường đến hàng đáy, Huy bảo:

– Bà đuổi họ về hết, mình tôi làm sao đủ sức kéo đáy lên?

Bà chủ tịch vỗ vai Huy bảo:

– Anh đừng ngại. Tôi là em ruột của năm Của. Anh ấy theo dõi và biết hết việc của anh làm, nên bảo tôi phải giúp anh. Bọn đàn ông vừa rồi là lũ vô dụng. Họ sợ tôi lắm. Tôi chỉ sợ bàn cãi lôi thôi, họ đem ra biểu quyết và giữ ghe anh lại đến ngày mai thì đổ bể mọi việc. Anh tôi đã mang ơn anh nhiều. Tôi giúp anh là lẽ đương nhiên. Xuống ghe anh nói chuyện một chút, rồi anh lái ghe đi. Mọi việc tôi sẽ giải quyết êm đẹp.

Huy không ngờ năm Của, người đảng viên trưởng ty công an quận Tân Bình mà chàng đã giúp chữa lành bệnh trước đây, nay đã bị đuổi khỏi Đảng vì tham nhũng, lại là người có tình nghĩa đến thế! Vậy mới biết không phải bất cứ đảng viên cộng sản nào cũng đều xấu cả. Sở dĩ họ hành động xấu vì nhát gan, sợ Đảng trừng phạt, nên không dám làm trái những gì Đảng dạy mặc dầu trái với lương tâm của họ. Nhiều đảng viên lại lợi dụng uy quyền của Đảng để bóc lột nhân dân. Hạng người này mới đáng trừng trị. Trước đây chàng đã giúp cho biết bao nhiêu người quốc gia. Bây giờ họ đã có một cuộc sống sung sướng ở Mỹ và không bị ràng buộc bởi những luật lệ khắt khe. Tất cả đều biết chàng đang gặp khó khăn, nhưng không người nào gởi giúp chàng một đồng xu. Thế mới biết quốc gia không phải tất cả là những người tốt mà cộng sản không phải tất cả là những người xấu.

Huy xúc động cám ơn thì bà chủ tịch bảo:

– Tên em là Huệ. Cả bốn khu 1, 2, 3, 4, dọc theo kinh Đồng Tiến này đều biết tên và thành tích của em. Trong các chuyến buôn sau, nếu có gì trục trặc, anh cứ cho người mời em đến. Em sẽ giải quyết cho. Nhà em ở sát ngay trạm kiểm soát quan thuế khu ba. Khi nào ngủ đêm trên kinh Đồng Tiến thì anh hãy đậu sau nhà em là an toàn. Hôm nào rảnh, anh ghé nhà chơi.

Huy vui mừng nghe theo lời Huệ và không biết lý do nào mà cả bọn đàn ông trong bốn khu này lại sợ Huệ đến thế? Huy thắc mắc:

– Tôi hỏi câu này hơi tò mò, nhưng nếu cô không muốn trả lời thì thôi.

Huệ cười, bảo:

– Anh cứ hỏi. Em sẽ thành thật trả lời mọi thắc mắc của anh.

Du bảo:

– Tại sao bọn đàn ông khi nảy sợ cô đến thế?

Huệ thân mật vổ vào vai Du bảo:

– Em luôn nghĩ đến hạnh phúc và ấm no của đồng bào. Em không rượu chè, cờ bạc, hối lộ, ức hiếp nhân dân nên được mọi người thương mến. Còn mấy ông kia thì có đủ mọi tính xấu. Họ lợi dụng Đảng để làm giàu trên xương máu của nhân dân, rượu chè be bét thì phải sợ em. Thời nào cũng vậy, người gian luôn sợ người ngay. Em chỉ một thân một mình nên không lo lắng kiếm tiền làm giàu mà hại dân chúng.

– Thế việc làm của tôi hiện nay có hại cho nhân dân không? Tại sao cô lại bao che?

– Bao nhiêu đảng viên cộng sản cao cấp đều làm như anh. Nếu em có quyền thì phải đương đầu với họ chứ cần gì phải đối phó với anh. Nhưng em chỉ là một bà chủ tịch nhỏ trên bờ kinh Đồng Tiến này thì làm gì được? Vả lại việc làm của anh giúp cho đồng bào có đủ nhu yếu phẩm để sống chứ đâu có hại họ. Anh chỉ có một lỗi là trốn thuế thôi. Nhưng thuế có thu vào cũng bị các ông đảng viên Bắc kỳ cao cấp tham lam biến thành của riêng thì làm khổ một người tài giỏi và đầy lòng thương người như anh là một sự bất công không tha thứ được.

Huy vui mừng thấy Huệ có những suy nghĩ sâu sắc và nhân bản. Huy biết trong cả nước còn nhiều đảng viên cộng sản cở nhỏ như Huệ nhưng có một tấm lòng trong sáng, một cuộc sống đơn sơ đầy tình nghĩa. Nếu Đảng cộng sản biết thay đổi và dùng những người này vào những chức vụ lớn thì đời sống của nhân dân được đỡ khổ hơn nhiều.

Từ đó mỗi chuyến đi về qua kinh Đồng Tiến, Huy dừng ghe bên chiếc cầu bắt sau lưng nhà Huệ để nghỉ đêm cho an toàn. Cha con Huy đã được Huệ cho ăn các bữa cơm ngon và tình thân thiết mỗi ngày thêm gắn bó. Huy cũng gặp lại Năm Của tại Sàigòn và hỏi lý do tại sao lại biết bí mật của mình và cho người che chở. Của cười hồn nhiên bảo:

– Tôi không biết được bí mật gì của anh, nhưng khi tôi thấy anh dùng ghe đi buôn thì biết rằng anh đã có một bí mật muốn dấu, nên mới cho cô em gái biết mà che chở. Khi nào anh bỏ nước ra đi thì hãy truyền lại cho tôi cái bí mật ấy để làm kế mưu sinh. Một người thông minh và tài giỏi như anh thì cái bí mật ấy không ai có thể khám phá nổi.

Rồi vừa dỡn vừa thật Của bảo:

– Con em tôi nó còn dại lắm. Bao nhiêu người đeo đuổi mà nó vẫn sống độc thân vì cho rằng không ai hiểu và hợp với nó. Khi gặp được anh, nó vui lắm. Anh nên cư xử tốt với nó để nó khỏi tủi thân mà khóc thầm hằng đêm.

Huy cũng tưởng Của nói dỡn cho vui vì mình đã có gia đình rồi lại là người không cùng chung lý tưởng với Huệ, nhưng một hôm Huy đậu ghe tại Tân Châu thì gặp Huệ. Huệ rủ Du lên bờ ăn cơm. Sau đó nàng đưa Du vào phòng của một khách sạn mà nàng đang ở. Sau khi đóng cửa, thấy vẻ e ấp và thẹn thùng của Huệ khác hẳn với vẻ linh hoạt và liến thoắng thường ngày, Du hiểu ngay dụng ý của nàng. Nếu để cho nàng giận hờn thì kết quả thật tệ hại cho những toan tính lớn lao của mình. Không muốn cho nàng phải khổ sở tự động tỏ tình, Du tươi cười đưa hai tay ra. Nàng mừng rỡ chạy đến ngã vào đôi vòng tay đầy nhiệt tình của Huy. Nàng run lên từng cơn trong khoái cảm tuôn trào và gục đầu vào vai Huy khóc. Huy bảo:

– Sao em lại khóc?

Nàng nói qua nước mắt:

– Em vui quá thành cảm động. Em không ngờ anh đã tự động cho em được hưởng những mơ ước hằng ấp ủ. Em yêu anh ngay từ lúc gặp nhau lần đầu mặc dầu biết là một mối tình đơn phương, nhưng em cũng không ngăn được tiếng nói của con tim. Anh có yêu em không?

Huy cảm động khi thấy Huệ quá đơn sơ và thành thật. Huy đành phải đóng kịch để làm vui lòng nàng. Nàng đã hy sinh cho Huy quá nhiều thì một vài cử chỉ tế nhị để cho nàng vui lòng cũng là một việc nên làm. Chàng biết như vậy là có lỗi với vợ con, nhưng chàng không thể có cách nào khác để né tránh. Một năm sau khi Huy đã rời khỏi nước, nàng sẽ nhớ lại những kỷ niệm thân thiết này mà vui sống những ngày xuân còn lại. Huy nâng mặt nàng lên, nhìn sâu vào đôi mắt nàng và nói:

– Anh yêu em nhưng anh cũng yêu thương và có trách nhiệm với vợ con. Nếu em để cho hờn ghen làm khổ thì anh chẳng an tâm tí nào. Em hãy hứa với anh là sẽ giữ kín bí mật này để con anh không nghi ngờ làm mất lòng tin của chúng nơi anh.

Huệ cười tươi nói:

– Vâng. Anh không nhắc, em cũng biết giới hạn của mình đến đâu. Chỉ được gần gũi với anh một lần duy nhất này thôi cũng đủ cho em mãn nguyện rồi. Em sẽ giữ mãi những kỷ niệm yêu quí này suốt đời. Anh đừng ngại. Em không dám tham lam làm cho anh khổ đâu. Anh có biết những đêm anh đậu ghe sau nhà thì em trằn trọc mãi mà không ngủ được vì háo hức muốn xuống ghe tìm anh, nhưng sợ con anh biết được. Anh không thấy tội nghiệp cho em sao?

Trước những lời chân thành, mộc mạc, dễ thương của Huệ, tim Du mềm lại. Chàng cúi xuống đặt lên đôi môi hé mở đang chờ đợi của Huệ một chiếc hôn nồng nhiệt dài bất tận.

Một hôm, đang mùa nước dâng, sông Cửu Long chảy cuồn cuộn. Ghe Huy đang chạy ngược dòng dọc theo bờ sông. Vì sơ ý nên dầu trong thùng hết mà không châm thêm. Máy tắt. Ghe trôi theo dòng. Hai cha con lo châm dầu thì ghe đã đụng và lôi bật gốc một cây nò của dân chúng dùng bắt tôm càng trong mùa nước đổ. Khi máy đã bắt đầu nổ, thì ghe trong xóm cũng chèo túa ra, bao vây và buộc Huy phải ghé vào bờ. Họ la hét om sòm, vung tay đe dọa. Huy biết phen này chắc phải bị đền nặng vì mấy ông Hòa Hảo chẳng sợ ai ngay cả mấy ông đảng viên cao cấp. Ghe tấp vào bờ thì Huy đã bị bọn thanh niên nhảy lên trói lại đem xuống. Huy nhã nhặn trình bày rủi ro gặp phải và xin bồi thường. Mấy ông già cũng có mặt, nhưng không cho ý kiến, để mặc bọn thanh niên đe dọa kiếm tiền khổ chủ. Số tiền bồi thường quá lớn, lớn hơn cả giá trị chiếc ghe và số hàng đang chở. Huy năn nỉ hết lời, xin bớt xuống và hứa trả một số, phần còn lại sẽ trả vào những lần sau vì buôn bán gặp nhiều khó khăn. Bọn thanh niên thấy Huy dễ bắt nạt nên nhất định không chịu. Huy biết rõ mấy ông Hoà Hảo sẽ có trăm phương ngàn cách để hại chàng sau này, nếu dại dột cãi vả làm chạm tự ái của họ. Vùng đất trao đổi hàng lậu của chàng nằm trong vùng Hoà Hảo, nên chàng phải chấp nhận số tiền đền tuy quá lố ngoài sức tưởng tượng. Cuối cùng họ quyết định giam ghe lại và Huy phải tìm đủ số tiền bồi thường thì mới được lấy ghe đi. Huy lo sợ cho số càphê lậu ngâm lâu ngày dưới nước chắc chắn sẽ hư. Đang khi tiến thoái lưỡng nan không biết đường nào xoay xở thì chàng nghe một giọng nói đàn bà hiền từ:

– A Di Đà Phật, sao mấy ông lớn không can thiệp để bọn nhỏ hành hạ con người ta quá thế! Các ông không nhớ lời dạy của Đức Thầy sao?

Cả bọn thanh niên đang hùng hổ, vung tay múa chân như muốn ăn tươi nuốt sống chàng, khi nghe lời nói trên thì im thin thít, còn tỏ vẻ lo sợ nữa.

Một ông già lên tiếng:

– Thôi bác Năm đã tới, tụi bay phải nghe lời dạy của bác. Đừng làm khó dễ người ta. Thời buổi này buôn bán khó khăn. Giam ghe lại thì làm sao họ sống?

Bà cụ tóc bạc phơ, nhưng bước đi khỏe mạnh, cặp mắt tinh anh, rẽ đám đông bước vào. Bà vỗ vai Huy bảo:

– Có bác đây, con đừng sợ. Con lỡ làm trôi mấy cái giỏ câu tôm, có đáng giá là bao. Tụi nhỏ không biết điều làm khó dễ con. Thôi bác cho con xuống ghe đi kẻo trể công việc.

Rồi quay lại bọn thanh niên bà cụ bảo:

– Tụi bay có biết làm như vậy là sai lẽ công bằng không? Lần sau có gì thì phải báo cho già này biết, chứ không được làm ẩu nghe.

Cả bọn cúi đầu chịu lỗi. Huy bàng hoàng tưởng bà cụ là một Phật Bà Quan Âm hiện ra giúp chàng. Huy cúi đầu kính cẩn cám ơn bà, chào mọi người và lên ghe.

Từ đó về sau, chàng có nhiều kinh nghiệm trong việc di chuyển đường sông và không gặp những trục trặc khác. Chỉ một năm sau, chàng có thể trả được số nợ 30 lượng vàng mượn của người chị để vượt biên thất bại trước đây. Bà chị ngạc nhiên không biết chàng kiếm đâu được tiền để mua ghe và buôn lậu như thế. Biết không thể tham lam quá nhiều, chàng lập kế hoạch vượt biên để đưa tất cả con, cháu trai trong nhà và những bạn bè thân thiết ra đi. Chàng cũng truyền lại cho Năm Của bí quyết buôn lậu để chàng kiếm tiền và phá hoại kinh tế của cộng sản.

Từ những kinh nghiệm thực tế, Huy nhận thức rõ ràng địa vị quan trọng của người đàn bà Việt trong gia đình cũng như trong xã hội. Do đó chàng ít vấp những sai lầm khi xem thường họ như trước đây chàng đã làm.

Hoà Mỹ
Montreal-Canada

This entry was posted in 3-Tập truyện TỔ  CHIM  XANH, Truyện ngắn. Bookmark the permalink.

Leave a comment